Cô giáo nhốt bé 4 tuổi trong nhà vệ sinh rồi bỏ quên đến tối

Chiều 28/3, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho biết, đã tạm đình chỉ hai cô giáo Trường mầm non xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) để xác minh việc nhốt bé 4 tuổi vào nhà vệ sinh và để quên đến tối muộn.

Ông Đặng Văn Viện, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức cho biết, hiện nhà trường đã tạm đình chỉ công tác với cô Vương Thị Hương (chủ nhiệm lớp) và bà Vương Thị Loan (giáo viên phụ) lớp B5 do vi phạm quy chế chăm sóc trẻ.

Trong báo cáo của UBND xã Hương Sơn lên UBND huyện Mỹ Đức về sự việc xảy ra tại trường Mầm non Hương Sơn, ngày 21/3, tại lớp mẫu giáo B5 điểm trường khu vực Yến Vỹ do cô giáo Vương Thị Hương và Vương Thị Loan quản lý, giảng dạy, hai cô đã bỏ quên cháu Y ở lớp.

Chiều 23/3/2017, UBND xã Hương Sơn nhận được báo cáo bằng miệng của bà Đồng Thị Mạnh - Hiệu trưởng trường Mầm non Hương Sơn về sự việc này. Sau đó giáo viên nhà trường đã nhận khuyết điểm với gia đình.

co giao nhot be 4 tuoi trong nha ve sinh phai nang cao tieu chuan chuc danh gs pgs

Trường mầm non xã Hương Sơn, nơi xảy ra sự việc (ảnh: Hoàng Thanh)

Liên quan đến sự việc này, bà Đồng Thị Mạnh - Hiệu trưởng cho biết, nhà trường sẽ tiến hành xác minh lại lời khai của cả hai cô giáo Vương Thị Hương và Vương Thị Loan.

Theo bà Mạnh, lời kể của cả gia đình và giáo viên có sự không đồng nhất. Một bên cho rằng, cháu Y kể lại mình bị cô phạt và nhốt trong nhà vệ sinh, còn các cô lại nói cháu Y chỉ đứng ở góc lớp rồi chạy đi ra ngoài ẩn nấp mà các cô không biết. Do vậy, nhà trường đang phải tiến hành xác minh lại.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Viện - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức, việc lấy ý kiến của trẻ em 4 tuổi là hành động không nên làm. “Chúng tôi đã chỉ đạo nhà trường không được phát phiếu lấy ý kiến của học sinh”, ông Viện nói.

Không thu phí dự thi đối với tất cả thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có hướng dẫn cơ chế tài chính Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và tuyển sinh đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên chính quy.

Theo đó, các sở giáo dục và đào tạo không thu phí dự thi đối với tất cả các đối tượng thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 (kể cả học sinh đăng ký thi thêm các môn xét tuyển vào đại học, cao đẳng).

Ngân sách địa phương bố trí kinh phí để tổ chức kỳ thi, kể cả kinh phí chi trả cho cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng được Bộ điều động về địa phương tham gia tổ chức kỳ thi.

Trong khi đó, mức thu, sử dụng phí dự thi, dự tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên thì các khoản phí dự thi, kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2017 chuyển sang cơ chế giá thị trường. Mức giá dịch vụ dự tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên chính quy năm 2017 được quy định như sau: Mức thu tối đa là 30.000 đồng/nguyện vọng (áp dụng cho tất cả các nguyện vọng).

Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững

Sáng 30/3 tại TP Huế đã diễn ra “Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững”.

Khoảng 180 đại biểu trong và ngoài nước từ 53 thành viên Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), các tổ chức quốc tế và khu vực. Đây là Hội nghị tầm liên khu vực quan trọng nhất trong khuôn khổ ASEM do Việt Nam đăng cai năm 2017, nhằm triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ được thông qua tại hội nghị cấp cao ASEM 11 (U-lan-ba-to, 7/2016) và cũng là sáng kiến đầu tiên về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thập kỷ thứ ba của ASEM.

co giao nhot be 4 tuoi trong nha ve sinh phai nang cao tieu chuan chuc danh gs pgs

Toàn cảnh Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững diễn ra tại TP Huế sáng 30/3

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển vũ bão, giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực có tri thức, công nghệ ngày càng có tính quyết định. Gần đây mọi người nói rất nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều ngành sản xuất, phương thức sản xuất, nhân công sẽ phải thay đổi, buộc phải đào thải, được thay thế. Cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, sẽ có những ngành nghề mới, cách làm mới, nguồn nhân lực mới sẽ ra đời, sẽ phát triển.

Ai là người sẵn sàng cho sự thay đổi đó sẽ giành được lợi thế. Ngược lại sẽ tụt lại phía sau. Đổi mới giáo dục, đào tạo đã luôn quan trọng lại càng quan trọng, không chỉ với các nước đang phát triển mà ngay cả với các nền kinh tế, nền giáo dục phát triển nhất. Điều đáng lưu ý là cuộc cách mạng lần thứ 4 này, sự thay đổi, thay thế lần này sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với những lần trước. Vì thế đổi mới giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ quan trọng hơn mà còn bức thiết hơn".

Phát biểu bế mạc Hội nghị ASEM, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết hội nghị đã thống nhất được một số nội dung cơ bản trong đó có việc đẩy mạnh tiếp cận liên ngành trong giáo dục và đào tạo nhằm phát triển con người toàn diện, tạo cơ hội học tập suốt đời gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Phải nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư

Trước khi đưa ra dự thảo về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) Bộ GD&ĐT cũng đã thừa nhận quy định hiện nay đã nảy sinh nhiều điểm bất hợp lý.

Việc đổi mới tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, quy định cũng có những hạn chế, bất cập như: Giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng: phân biệt về điểm quy đổi đối với 2 đối tượng này là bất hợp lý.

Theo Bộ GD&ĐT, ngay cả vềtên gọi và quy trình bổ nhiệm cũngchưa có quy định rõ ràng về tên gọi và chức danh: có chức danh GS, PGS nhưng chưa gắn với ngành khoa học và cơ sở đào tạo bổ nhiệm.

Đặc biệt, quy định hiện nay thiếu cập nhật với xu hướng, chuẩn quốc tế; Chưa thể hiện sự đặc thù của các nhóm ngành; Không quy định về tuổi của ứng viên (có ứng viên được xét xong không thể bổ nhiệm do tuổi quá cao).

Đối với công tác quản lý, Bộ GD&ĐT cho rằng, quy định cũ chưa có chế tài rõ ràng đối với GS, PGS không hoàn thành nhiệm vụ; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện xét đạt tiêu chuẩn còn hạn chế.

Theo dự thảo mới, từ năm 2019, ứng viên GS nhóm ngành khoa học tự nhiên - công nghệ phải có ít nhất 2 bài báo, ứng viên nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn có ít nhất 1 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lại kiến nghị tăng số bài báo lên vì quy định như vậy quá ít cần tăng số lượng lên.

Trao Huân chương của Chủ tịch nước đến học sinh lớp 5 cứu hai em nhỏ khỏi đuối nước

Chiều 30/3, đoàn công tác Sở Nội vụ đã trao Huân chương dũng cảm của Chủ tịch nước và Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho em Lô Dương Tú - học sinh lớp 5D trường Tiểu học Hương Tiến (xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) vì đã có thành tích cứu 2 em nhỏ khỏi đuối nước.

Trước đó vào khoảng 12h ngày 2/10/2016, em Lô Dương Tú ra con suối phía sau nhà để giặt áo mưa, rửa xe đạp. Lúc này Tú thấy hai em Vi Thế Trường (5 tuổi) và Lương Gia Bảo (5 tuổi) trú cùng bản đứng trên một mô đá nhỏ chuẩn bị nhảy xuống suối tắm. Tú bảo hai em nhỏ đừng tắm vì ở đó có chỗ nước rất sâu.

Khi em Trường sa xuống vũng nước sâu và bị đuối nước, em Bảo lao ra kéo bạn vào cũng bị đuối nước theo. Một cháu gái tên Kim Thoa (học sinh lớp 4) đứng trên bờ phát hiện sự việc đã gọi Tú đến cứu.

Nghe tiếng kêu cứu, Tú chạy đến và lao ra dòng suối kéo được cả hai em nhỏ vào bờ. Lúc này hai cháu bé đều hoảng loạn, khóc rất nhiều vì sợ hãi do bị uống nước quá nhiều.

co giao nhot be 4 tuoi trong nha ve sinh phai nang cao tieu chuan chuc danh gs pgs

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - PGĐ Sở Nội vụ - Trưởng ban thi đua khen thưởng tỉnh Nghệ An trao Huân chương dũng cảm cho em Tú.

Chia sẻ cùng PV Dân trí, em Lô Dương Tú kể: “Khi nghe tiếng kêu cứu, em không suy nghĩ gì cả, em chỉ biết cần phải cứu được người nếu không các em ấy sẽ chết, mẹ của các em sẽ buồn, sẽ khóc”.

Cậu học sinh lớp 5 đã sẵn sàng vượt qua mọi thứ để cứu sống khi người khác gặp nguy theo một cách bản năng, đó không những là hành động dũng cảm mà còn là bài học về tình người khiến người khác phải suy ngẫm.