Đó là điểm trường bản Cam của Trường Mầm non Ban Mai, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Từ trường chính muốn lên điểm trường này phải qua hai chặng đường. Chặng đầu từ trung tâm xã, dọc theo tỉnh lộ 152 về hướng Sa Pa; chặng hai phải rẽ ngược theo con đường mòn vắt nghiêng sườn núi chông chênh lên mãi trên cao, trời nắng xe máy còn ì ạch bò lên được, trời mưa thì đường trơn như đổ mỡ, chỉ có thể đi bộ để lên.

co giao me hien cua nhung dua tre tren ban leo
Cô Hường dỗ dành bé gái 2 tuổi đã phải đi học xa nhà.

Điểm trường bản Cam là một dãy nhà ngang đơn sơ chia thành 4 gian. Gian giữa làm lớp học, bên phải làm kho trữ đồ, kế phía trái là phòng ngủ của cô trò và ngoài cùng là gian bếp. Xung quanh còn vài ba nóc nhà quây quần thành trung tâm của bản toàn người Dao. Gọi là trung tâm vì đa phần các hộ còn ở trên cao nữa, cách ít cũng 5 – 6 cây số đường rừng.

Những đứa trẻ trên bản “leo”

Khi chúng tôi đến, cô Nguyễn Thị Thu Hường tay bế một bé gái rong khắp khoảnh sân bé xíu trước cửa lớp, vừa đi vừa nựng, con bé mắt đỏ hoe ngặt nghẽo khóc không chịu nín. Cô giáo vừa quạt vừa lau vệt nước mắt trên hai gò má rám nắng của nó, vừa xuýt xoa: “Cháu mới hai tuổi thôi, vừa ra lớp đã tách mẹ ở cả tuần với cô, hôm nay trong thôn có đám cưới, ông nội từ trên nhà xuống đi ngang qua, nó trông thấy cứ bám theo khóc suốt đến tội”.

Cô Chảo Thị Thủy đang hướng dẫn bọn trẻ tập tô trong lớp vọng ra: “Bây giờ còn đỡ, hồi đầu năm bọn trẻ, nhất là những bé mới ra lớp còn khóc cả ngày cả đêm, một lúc bốn năm đứa cùng khóc, các cô cứ phải luôn chân luôn tay suốt”.

Giữa lớp học con con, 6 cái bàn mỗi cái một kiểu kê san sát nhau, mười mấy đứa trẻ ngồi xung quanh lúi húi tô những đường nguệch ngoạc dưới ánh sáng hắt qua các ô cửa sổ. Lớp học cũng có đủ bóng điện, quạt trần, nhưng không bật cứ để cho bụi bám. Hỏi ra mới biết những thứ này từ ngày xây trường đã có, nhưng làm gì có điện, lắp chờ vậy thôi.

Trong số trẻ đang theo học, chỉ 3 trẻ ở gần thì tối về nhà, còn lại 12 đứa nhà tận trên đội 3, đội 4, nơi chỉ có núi và núi, lên xuống phải leo bộ cả ngày đường, nên đành ở lại hết tuần, thứ 6 bố mẹ mới xuống đón. Trẻ ở lại, cô Hường và Thủy cũng phải ở lại theo, hình thành nên một điểm trường bán trú. Tình huống này dù phát sinh nhưng cũng đã duy trì được 6 – 7 năm nay.

Trường “bán trú” mầm non

Mặc dù duy trì theo mô hình bán trú, nhưng lại không phải dạng dân nuôi. Ở điểm trường bản Cam, mỗi đứa trẻ chỉ trông chờ duy nhất vào khoản hỗ trợ ăn trưa 6.000 đồng/ngày của nhà nước, mà chỉ trẻ từ lên 3 mới được. Vì ở lại cả ngày, nên số tiền đó phải chắt chiu, san sẻ cho ba bữa ăn.

co giao me hien cua nhung dua tre tren ban leo
Cô Thủy hướng dẫn trẻ tập tô

Trong lúc cô Hường trông nom bọn trẻ, cô Thủy tranh thủ thổi lửa nấu cơm trưa, Thủy tâm sự: Kinh phí eo hẹp, nên thực đơn của lớp cũng đơn giản, cả tuần chỉ loanh quanh giữa trứng, cá mắm và lạc. Không có điện chạy tủ lạnh nên chẳng dự trữ được thức ăn. Thứ hai là ngày duy nhất có món thịt lợn tươi, các cô dồn tiền mua mang lên, đó cũng là ngày bọn trẻ con ao ước nhất, lấy làm động lực cho cả tuần đi học.

“Thực đơn phải cân đối từng bữa, riêng thứ 6 thường là món trứng để đủ chất cho bọn trẻ còn lấy sức về. Tầm 10h sáng là bố mẹ chúng phải có mặt đón rồi, cứ đi xuyên trưa lưng buổi chiều mới về tới. Hôm về cô lại dúi cho mỗi đứa một gói mì tôm để dọc đường đói có cái lót dạ mà đi tiếp, cứ bóc ăn sống vậy thôi, bọn trẻ con chẳng hiểu sao thích mì tôm lắm…”, cô Thủy ngậm ngùi.

“Mì tôm cũng là từ nguồn hảo tâm kéo về, được nhiều thì bọn trẻ có thêm bữa sáng. Trên này cái gì cũng phải đi xin, vận động đủ mọi kênh. Hôm lâu có một anh tận Hà Nội biết tin ủng hộ cho tạ gạo…”, cô Thủy ngượng nghịu nhìn sang thùng gạo để góc bếp, thùng thì to mà gạo thì đã vơi dần xuống đáy.

Cô giáo như mẹ hiền

Mâm cơm bày ra, bọn trẻ quây quần mỗi đứa một tô đầy tự giác xúc ăn, cô giáo không phải bón thúc. Thức ăn có hai món, trứng xào và canh cải, nhưng hình như chẳng đứa nào thích ăn rau. Nhìn bọn trẻ ăn loáng một cái hết sạch phần cơm, cô Hường mỉm cười hạnh phúc: “Từ hôm xuống đi học đứa nào cũng béo ra, chỉ sợ mấy nữa nghỉ hè về lại gầy, ở nhà chúng chỉ có cơm trắng, vón cục cục chấm muối ớt ăn không thôi”.

co giao me hien cua nhung dua tre tren ban leo
Bữa trưa giản đơn của trẻ mầm non ở bản Cam.

Cô Thủy vò đám khăn ướt đem lau mặt mũi tay chân cho bọn trẻ thêm vào: “Bố mẹ chúng cả năm chắc chỉ ngày tết mới đi chợ một lần, đường thì thế mà đất đai cằn cỗi, trồng cái gì cũng khó, nhà có việc mới gùi xuống núi bán thì lại chẳng được bao nhiêu tiền”.

“Đầu năm phụ huynh góp được ít củi cho cô giáo rồi bàn giao con cho cô, cứ gửi người không thế thôi, mùa đông cũng chẳng cần biết chúng nó mặc gì nữa, các cô lại phải tự lo hết”, cô Thủy lắc đầu, kể tiếp: “Trên vùng cao mùa đông lạnh, bọn trẻ hay ốm luôn, sáng sớm dậy đứa nào cũng mũi dãi. Mỗi khi đau ốm, hỏi đau chỗ nào chúng không biết nói, chỉ khóc tiếng Dao, các cô xoay sở đến khổ”.

Sau bữa trưa giản đơn là đến giờ đi ngủ. Căn phòng ngủ chật hẹp chỉ độ 10 mét vuông, bên trong hai chiếc phản gỗ kê gọn gàng trên mặt đất, trên trải lớp chiếu cho đỡ đau lưng. Bọn trẻ vừa đặt lưng đã ngủ ngon lành.

Đưa tay kéo chăn đắp lên ngực từng đứa một, cô Hường thẽ thọt: “Cho bọn trẻ ngủ một chút thôi, tối còn ngủ sớm. Trên này không có điện 5h chiều đã xong cơm, 7h phải đi ngủ rồi. Đêm dài các cô còn thao thức mãi, chỉ mong đến cuối tuần, chúng nó được về, mình cũng được hạ sơn”./.