Khởi nghiệp từ quê hương….

Được sống và làm việc trên mảnh đất Thái Nguyên gần 10 năm nay. Nhưng quả thật hôm nay chúng tôi mới có dịp đến thăm và trực tiếp nhìn thấy quá trình sản xuất Matcha Trà xanh ngay tại “thủ phủ” chè Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên. Con đường dẫn chúng tôi vào bát ngát chè xanh đang được chăm sóc bởi những người nông dân thân thiện. Vẫn còn nhễ nhại trên má những giọt mồ hôi đang hái chè, cô gái Nguyễn Thị Bích Ngọc mời chúng tôi thưởng thức một cốc Matcha đậm đà hương vị chè Thái. Gương mặt tươi, ánh mắt đầy hy vọng … làm chúng tôi cũng cảm thấy có một sức sống trẻ đầy hy vọng trong cô.

co gai tre khoi nghiep voi matcha
Nguyễn Thị Bích Ngọc từ chối một công việc đáng mơ ước của bao bạn trẻ để về quê khởi nghiệp cùng cây chè

Là một cử nhân của trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, khoa Kỹ thuật môi trường. Ra trường Ngọc được nhận ngay vào một trung tâm đào tạo tiếng anh tại Hà Nội, với mực thu nhập 10 triệu đồng/tháng, một công việc mà bao bạn trẻ mơ ước. Nhưng Ngọc đã quyết định từ bỏ tất cả để trở về quê nhà làm nông. Trước bối cảnh việc bón phân, phun thuốc trở thành thói quen cố hữu. Ngọc có một khát khao muốn thay đổi thói quen canh tác đó của người dân, biến Thái Nguyên thành một vùng Trà sạch. Cũng từ suy nghĩ đó mà cô gái trẻ Nguyễn Thị Bích Ngọc đã bắt đầu lặn lội trên khắp các vùng đất của Thái Nguyên, tìm đến những người có kinh nghiệm để được học hỏi cách làm trà cũng như chăm sóc cây chè một cách tốt nhất và mang lại kết quả cao nhất. Ngọc tâm sự: “Qúa trình khởi nghiệp thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tìm vùng nguyên liệu. Để thuyết phục được một hộ cho mình được thử nghiệm những công nghệ mới vào việc sản xuất trà vô cùng khó khăn. Bởi vì họ cũng rất sợ những rủi ro trong quá trình làm. Thời gian đầu thất bại rất nhiều lần, nào là do độ che phủ chưa đủ, do bị cháy trà, hay xay nghiền chưa đủ độ mịn”.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, bước đầu khó khăn luôn chồng chất khó khăn. Từ việc tìm kiếm vùng chè sạch, đến cải tạo canh tác. Bởi diện tích chè sạch thường khó tìm, tìm được rồi thì lại khó khăn đường thu hái bởi đa phần những diện tích chè ở đây thường ở vị trí biệt lập, sâu trong rừng, hoặc lưng chừng núi….

Tiếp đến là vốn, khởi nghiệp nên lượng vốn luôn có hạn mà các khoản chi khá là nhiều. Sản phẩm thì vì mình mới, thương hiệu còn non trẻ nên chưa thể bán được ngay số lượng lớn thành ra quay vòng vốn chậm. Đã nhiều lần Ngọc tưởng chừng như phải từ bỏ tất cả ước mơ của mình. Nhưng chính bằng niềm tin, niềm hy vọng vào những việc mình làm nên cố gái trẻ đã không ngừng cố gắng để khởi nghiệp bằng chính cây trồng mang thương hiệu của quê hương mình – Chè Tân Cương, Thái Nguyên.

Để tạo ra sản phẩm Matcha đạt chất lượng từ nguồn nguyên liệu Trà sạch, việc chế biến nguyên liệu cần phải được trải qua 7 bước và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong quá trình tạo ra một sản phẩm Matcha hoàn chỉnh. Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng chia sẻ: “Vườn Trà phải được che phủ 20 ngày trước khi thu hái để tăng cường diệp lục trong lá và giúp ngăn chặn được ánh sáng mặt trời qua đó giữ lại được hàm lượng the –enine và diệp lục tố cũng như hàm lượng dinh dưỡng cao nhất cho lá trà. Sản xuất trà Matcha phải được nghiền thành bột mịn trong cối đá grannit được gia công riêng cho các xưởng làm matcha mà em đặt hàng từ đất nước Nhật Bản để giữ được chất dinh dưỡng có trong lá trà”.

… Và thành công đã đến

Hiện nay, không ít người quan niệm nghề nông là nghề “chân lấm tay bùn”, khó nhọc và không mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, ngược dòng với quan điểm đó, cô gái trẻ Nguyễn Thị Bích Ngọc đã tìm đến nghề nông, sản xuất thương hiệu Matcha trên đất chè Tân Cương, Thái Nguyên. Bởi vì bằng niềm đam mê và nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế ngay trên chính quê hương của mình.

Với niềm đam mê phát triển kinh tế ngay trên sản phẩm chè thương hiệu của quê hương , Ngọc hiện sở hữu hơn 1 ha chè Trung Du 55 tuổi. Được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, chứng nhận Vietgap nên đồi chè nhà Ngọc được đảm bảo các yếu tố như không thuốc trừ sâu, không phân hóa học, không chất bảo quản. Song song với việc đó Ngọc còn bổ sung thêm phân hữu cơ được làm từ thực vật. Vì chè là một loại cây ưa mùn khô nên sau khi dừng việc chăm sóc theo cách truyền thống chuyển sang chăm sóc hữu cơ thì cô đã phải bổ sung rất nhiều đất hiếm để tạo mùn, tăng cường sức đề kháng cho cây. “Trong hơn 2 năm khởi nghiệp, không tránh khỏi những lần vấp ngã. Trong đó, đáng nhớ nhất đối với tôi có lẽ chính là những lần thất bại khi đưa sản phẩm matcha đến với thị trường và bị thị trường từ chối. Những lần vấp ngã này đã để lại cho tôi rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Bài học về sự nhạy bén nắm bắt thị trường. Đây cũng chính là chìa khoá giúp tôi thành công”, Ngọc chia sẻ.

co gai tre khoi nghiep voi matcha
Sản phẩm Matcha Trà xanh của Nguyễn Thị Bích Ngọc càng ngày được nhiều người biết đến

Sau 2 năm lập nghiệp, bằng sự cần cù và sáng tạo, từ hai bàn tay trắng, cô gái trẻ 9X - Nguyễn Thị Bích Ngọc ở xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên đã tạo cho mình một tiền đề vững chắc, mỗi năm cho thu nhập hơn nửa tỷ đồng. Với 15 đại lý trên khắp các tỉnh thành cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh….

Và có lẽ điều mong muốn nhất đối với cô gái trẻ đầy nghị lực này chính là mở rộng được diện tích, thay đổi cách làm của người nông dân ở chính mảnh đất mình lớn lên. Sở dĩ Ngọc trăn trở như vậy bởi hiện nay nhiều diện tích chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn đang canh tác theo phương pháp cũ, còn lạm dụng phân, thuốc hóa học và người dân chưa hiểu chưa tin vào phương pháp sinh thái. Ngoài ra Ngọc còn mong muốn có thể mang những ấm trà đặc biệt này ra quốc tế, để giới thiệu với họ về một nền văn hóa trà truyền thống của Việt Nam, về phương thức làm trà truyền thống của ông cha ta, nhưng còn cần thời gian để mở rộng và học hỏi thêm nữa.

Ánh nắng mặt trời dần khuất núi, chúng tôi chia tay cô gái trẻ Nguyễn Thị Bích Ngọc đầy bịn rịn. Có lẽ với chúng tôi ấn tượng mãi về cô gái nhiều hoài bão, khát vọng tuổi trẻ trong thời đại mới đó chính là quyết tâm dám nghĩ, dám làm. Nguyễn Thị Bích Ngọc bảo với chúng tôi rằng "Tôi nghĩ, lớp trẻ như chúng ta có học thì đừng ngần ngại khởi nghiệp cũng đừng ngần ngại khi mình phải làm khác ngành nghề. Hãy hành động bằng chính con tim và lý trí, đừng ràng buộc bởi dư luận hay áp lực của gia đình. Bởi cuộc sống có rất nhiều lựa chọn, chính bản thân của mình mới xác định được mình thích hợp với ngành nghề gì”./.