Những linh vật ngoại lai ở các di tích danh thắng chưa được di dời, những “kiến trúc lạ” được xây dựng thêm trong khuôn viên di tích, danh thắng khiến không ít du khách ngỡ ngàng khi đến tham quan, đặc biệt ở các di tích cấp Quốc gia ngay trên địa bàn Thủ đô.

co dut diem duoc linh vat ngoai lai
Linh vật ngoại lai ngang nhiên tồn tại.

Linh vật ngoại lai ngang nhiên tồn tại

Hơn 3 năm qua, kể từ khi Bộ VH-TT&DL ban hành công văn số 2662 với những nội dung cụ thể: Không trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật ngoại lai (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng; Tuyên truyền và vận động những nơi đang sử dụng tháo dỡ biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi các nơi công cộng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và đề xuất xử lý việc trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở các nơi công cộng, đặc biệt là các khu di tích lịch sử văn hóa tại địa phương.

Vậy nhưng, ngay tại Thủ đô, những linh vật ngoại lai vẫn ngang nhiên tồn tại trong khuôn viên các di tích danh thắng, kể cả các di tích danh thắng cấp Quốc gia.

Bước chân đến đền Trình, chùa Hương, du khách và phật tử thập phương sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước đôi sư tử đồ sộ nằm án ngữ ngay giữa sân đền. Điều đáng nói là đôi linh vật sư tử đang nhe nanh trợn mắt này có hình thái thẩm mỹ hoàn toàn không ăn nhập với những hình thái kiến trúc truyền thống của ngôi đền cổ, với những bức tượng voi, tượng ngựa có đường nét mộc mạc, thần thái hiền lành đã hàng trăm năm đứng trước đền.

Cách đó không xa, tại chùa Bảo Đài cũng trong quần thể di tích danh thắng chùa Hương, một đôi sư tử với kích thước lớn nằm choán hết khoảng sân trước tòa tam bảo. Một đôi sư tử đá khác, nhỏ hơn nhe nanh ngồi hai bên lối lên chùa. Hơn thế, du khách đến chùa Bảo Đài cũng không khỏi ngỡ ngàng bởi 1 ngôi chùa có tới 2 cổng tam quan nằm cạnh nhau. Một tam quan cũ cổ kính bên cạnh tam quan mới được xây bằng đá xanh hoành tráng.

Không chỉ ở khu di tích danh thắng chùa Hương mới có sự tồn tại của những linh vật ngoại lai và những công trình kiến trúc mới chen vào di tích Quốc gia. Ở nhiều nơi khác như: Chùa Keo (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm), chùa Đông Thiên (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai)… và nhiều di tích khác trên địa bàn Thủ đô cũng đang tồn tại những linh vật lạ không phù hợp với không gian văn hóa truyền thống, tâm linh, tín ngưỡng của người Việt.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Đánh giá của Sở VH-TT Hà Nội trong năm 2017 cho thấy, công tác quản lý di tích đã có những biến chuyển đáng kể; việc kiểm tra di tích có sự đột phá để nắm bắt những khó khăn, hạn chế, những đề xuất, kiến nghị của địa phương để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng công tác quản lý di tích. Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được thì công tác quản lý di tích vẫn còn nhiều hạn chế chưa được khắc phục, nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban quản lý khu di tích danh thắng chùa Hương, cho biết: “Trong công tác quản lý, kiểm soát, không cho đưa linh vật và các vật phẩm lạ vào không gian di tích, danh thắng trong những năm qua. Tuy nhiên, cơ quan quản lý địa phương đang gặp khó khăn khi không có kinh phí để cưỡng chế di dời những linh vật, vật phẩm lạ này ra khỏi không gian di tích”.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, sau hơn 3 năm kể từ khi Bộ VH-TT&DL ban hành văn bản 2662, Sở đã triển khai xuống các địa phương, xã, phường, thị trấn, ban quản lý các di tích trên địa bàn thành phố. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng đối với việc sử dụng các linh vật ngoại lai không phù hợp. Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, phân cấp rõ ràng để quản lý, giám sát chặt chẽ, yêu cầu các di tích còn linh vật ngoại lai phải có biện pháp di dời.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng thừa nhận, bên cạnh những nơi đã chủ động việc di dời linh vật ngoại lai ra khỏi di tích thì ở nhiều nơi, công tác di dời hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Thứ nhất, với những di tích đã tiếp nhận công đức là các linh vật ngoại lai từ trước, bản thân người công đức và người tiếp nhận công đức đều không muốn di dời. Thứ hai, ngay cả với những di tích đã đồng thuận thì lại không có kinh phí để di dời. Thứ ba, khi đã đồng thuận và có kinh phí di dời thì phải di dời đi đâu… Đây là những vấn đề khó, cần giải quyết quyết liệt thì mới dứt điểm được. “Ai là người cung tiến, tiếp nhận cung tiến các linh vật, vật phẩm ngoại lai vào không gian di tích, danh thắng thì những người đó phải có trách nhiệm di dời”, ông Tiến nêu quan điểm.

Để giải quyết dứt điểm việc linh vật ngoại lai, nhiều nhà sử học, nhà văn hóa cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước bên cạnh việc tuyên truyền vận động cần kiên quyết tiêu hủy hoặc chế tác lại các linh vật ngoại lai./.