chuyen ve pho giao su nganh giao duc hoc tre nhat toan quoc
Tháng 11-2019, cô Thảo là đại diện duy nhất của Đại học Thái Nguyên được Trung ương Đoàn vinh danh là một trong 75 Nhà giáo trẻ tiêu biểu toàn quốc.

Đam mê nghiên cứu khoa học

Cô thảo chia sẻ: "Tôi luôn tự hào vì sinh ra trong gia đình có truyền thống nhà giáo, từ ông, bà, bố, mẹ đến các cô, chú. Từ bé, tôi rất ngưỡng mộ ông và bố được nhiều thế hệ học sinh yêu mến, kính trọng. Như ông nội tôi, nhà giáo nhân dân Trịnh Trúc Lâm, sau khi nghỉ hưu, cứ vào dịp lễ, Tết, nhất là ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hàng năm, nhiều thế hệ học trò vẫn nhớ tới thầy, có học sinh cao tuổi còn chống gậy đến thăm. Tôi đã được bồi đắp tình yêu, niềm tự hào, sự ngưỡng mộ về truyền thống gia đình và mơ ước sau này sẽ trở thành nhà giáo”.

Ngay năm đầu tiên trên giảng đường đại học, cô cùng một nhóm sinh viên đại diện cho Đại học Thái Nguyên tham dự Cuộc thi Olympic tin học Sinh viên Việt Nam và xuất sắc đạt thành tích cao, góp phần để toàn đoàn giành giải Nhất. Bốn năm học đại học, cô luôn là một trong những sinh viên xuất sắc. Tốt nghiệp đại học năm 2006, Trịnh Phương Thảo về công tác tại Trường THPT Chuyên Thái Nguyên; năm 2007, cô chuyển về Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Đến với hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), cô Thảo say mê chuyên ngành Giáo dục học, đó là phương pháp giúp học sinh học toán cảm thấy hấp dẫn, thú vị hơn. Cô Thảo cho biết: “Thời điểm mang bầu, sinh con, chăm con nhỏ, tôi vẫn phải cố gắng sắp xếp thời gian để hoàn thành nhiệm vụ NCKH, học cao học, nghiên cứu sinh..., khó khăn, vất vả, áp lực nhưng vì đam mê nên tôi vẫn vượt qua”.

Thuận lợi với cô Thảo là có cả bố và mẹ đều là giáo viên ngành Toán nên có nhiều điều kiện hỗ trợ về chuyên môn. Đồng thời, khi nghiên cứu sinh, cô được PGS.TS Đào Thái Lai, công tác ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam hướng dẫn. Cô cùng nhóm nghiên cứu gần 50 người là những thế hệ học trò do thầy hướng dẫn đã cùng đoàn kết, hỗ trợ nhau về chuyên môn. Cô cũng tham gia vào nhóm nghiên cứu nhiều thành viên là các nhà khoa học đến từ nhiều trường đại học trong toàn quốc nên học hỏi được nhiều kiến thức chuyên ngành cho mình. Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, với sự nỗ lực, miệt mài NCKH, đến nay, cô đã được đăng tải trên 40 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành, trong đó, có nhiều tạp chí uy tín của quốc tế. Ngoài NCKH, cô tham gia chủ biên và viết sách trong nước và quốc tế. Thành tích này với một giảng viên mới 35 tuổi là điều mà nhiều người ngưỡng mộ.

Từ niềm đam mê của mình, cô đã truyền dạy và hướng dẫn nhiều sinh viên làm đề tài NCKH đạt kết quả tốt, trong đó, có một nhóm sinh viên đạt giải Ba cuộc thi Sáng tạo khoa học trẻ cấp tỉnh năm 2019.

"Cháy" hết mình với các hoạt động tình nguyện

Cô Thảo có nụ cười tươi tắn, giọng nói sôi nổi, trò chuyện cùng cô, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết tràn đầy. Tôi ấn tượng với quan điểm sống của cô, đó là làm việc gì cũng phải gắng hết sức, không phải để khen thưởng, không phải để được vinh danh mà khi làm hết mình, cảm giác hưởng thành quả rất hạnh phúc. Cô Thảo có thâm niên là cán bộ Đoàn, Hội Sinh viên nhiều năm. Cô tự nhận mình có gen từ bố, mẹ (nhất là từ người bố - Nhà giáo Ưu tú, PGS.TS Trịnh Thanh Hải) nên từ nhỏ đã thích tham gia và luôn là thủ lĩnh các hoạt động tập thể sôi nổi. Cô luôn hưởng ứng mọi hoạt động của Đoàn, Hội phát động, có nhiều sáng tạo, hiến kế trong triển khai các hoạt động tình nguyện như chương trình “Hiến máu tình nguyện”, “chiến dịch tình nguyện Hè, chung tay xây dựng nông thôn mới”… tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Năm vừa qua, với vai trò Bí thư Liên chi đoàn Khoa Toán, cô Thảo đã trực tiếp xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Liên chi đoàn, Liên chi hội Khoa thực hiện thành công chương trình tình nguyện “Xuân yêu thương” tại Điểm trường Văn La, Trường Tiểu học Lam Vỹ (Định Hóa). Điều đặc biệt ở chương trình này là ngoài tặng 30 suất quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những thành viên tham gia hoạt động tình nguyện còn tự tay góp sức xây dựng khu vui chơi và làm các trò chơi như đu quay, bập bênh, bóng rổ... cho các em.

Hai năm qua, cô Trịnh Phương Thảo gặt hái nhiều “trái ngọt” từ những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của mình. Cô vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm liên tục (2017-2018) cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương Đoàn và các cấp, ngành trong công tác chuyên môn, NCKH cũng như hoạt động tình nguyện. Song điều cô thấy hạnh phúc nhất đó là luôn có hậu phương vững chắc bên cạnh, ủng hộ hết mình, để cô có thể dành nhiều thời gian NCKH và tham gia hoạt động tình nguyện. Cô có một gia đình nhỏ hạnh phúc, với hai con trai đang học lớp 1 và lớp 5. Nói chuyện gia đình, cô vui vẻ chia sẻ: Tôi vẫn trêu anh xã, các cấp ghi nhận những nỗ lực, cố gắng trong quá trình công tác, tôi mang về khoe gia đình hết, nhưng riêng danh hiệu “Phụ nữ hai giỏi” thì tôi phải giấu. Danh hiệu ấy phải trao cho hậu phương của tôi, là anh xã và bà ngoại đã luôn hỗ trợ tối đa trong việc chăm sóc con cái và gia đình. Đặc biệt, trong khoảng hơn một năm gần đây, để hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị hồ sơ xét phó giáo sư, gần như mọi chuyện gia đình đều do chồng và mẹ tôi cáng đáng, để tôi toàn tâm NCKH. Hầu như hôm nào tôi làm việc cũng đến 1-2 giờ sáng. Nhiều lúc cũng thấy hai con thiệt thòi vì ít nhận được thời gian quan tâm của mẹ.

Kết thúc một năm với nhiều thành công, năm 2020, cô Thảo dự định: Đầu tư sâu hơn về chuyên môn, gồm cả hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên NCKH; tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho các hoạt động Đoàn, Hội, tình nguyện, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình…/.