Duyên nợ với núi rừng

Trong tiết trời giá lạnh của những ngày đông, theo chân thầy giáo Lê Văn Tuấn - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Xuân, huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa), chúng tôi đến điểm trường Giá 1 (xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa). Từ trung tâm xã, vượt con đường đất đá gồ ghề đầy ổ voi, ổ gà, men theo những con suối mất gần một giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được điểm trường heo hút này.

chuyen gia cam ban
Điểm trường lẻ Giá 1, trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).

Tranh thủ giờ giải lao giữa buổi học, bên chiếc bàn tự chế các thầy giáo cắm bản tiếp chuyện chúng tôi bằng ấm nước chè nhạt và điếu thuốc lào. Trên khuôn mặt các thầy hiện rõ niềm vui vì lâu rồi mới có khách ghé thăm nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Điểm lẻ Giá 1 có 4 thầy giáo, trong đó thầy Nguyễn Hoàng Ngọc (SN 1975, quê xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), là người ở xa nhất lên đây công tác.

Vừa rót nước mời khách, thầy Ngọc kể cho chúng tôi nghe về duyên nợ của mình với núi rừng nơi đây. Hơn 10 năm trước, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chàng thanh niên Nguyễn Hoàng Ngọc theo học trường Trung học Sư phạm 12 + 2. Năm 2005 tốt nghiệp ra trường, thầy Ngọc được Sở Nội vụ Thanh Hóa phân công về công tác tại bản Vui, xã Thanh Xuân cách nhà gần 150 km. Sau 2 năm công tác tại đây, thầy lại được điều về “cắm” tại điểm lẻ Giá 1 từ đó đến nay.

Quãng thời gian hơn 10 năm gắn bó với núi rừng, bản làng tuy chưa dài nhưng ít nhiều cũng làm cho chàng thanh niên đồng bằng ngày càng yêu và gắn bó lâu dài với học sinh và đồng bào miền núi. Tình cảm của bà con dân bản đã làm cho thầy Ngọc quen từng nóc nhà, nhớ từng lớp học sinh và thuộc từng tập tục, nét văn hóa của bà con dân tộc.

chuyen gia cam ban
Thầy giáo chuyên cắm bản - Nguyễn Hoàng Ngọc

Khi được hỏi về gia đình, ánh mắt thầy Ngọc nhìn xa xăm nhớ về tổ ấm của mình ở quê nhà: “Vợ mình công tác trong ngành bưu điện, hiện cùng hai con gái sống ở xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) - cách nơi này hơn 100km”. Suốt 12 năm qua, công tác tại hai khu lẻ là những điểm đặc biệt khó khăn, do cách trở địa lý nên cứ vài ba tuần, có khi cả tháng thầy Ngọc mới tranh thủ về thăm nhà một lần.

Nhớ lại những ngày đầu khi mới đặt chân lên vùng đất này, thầy Ngọc tâm sự: “May mắn với mình vì thời gian trong quân ngũ đã được rèn luyện, đóng quân ở vùng rừng núi nên cảnh khó khăn về địa hình nơi đây đã quen thuộc. Lên đây là mình đã xác định tư tưởng rồi, hơn nữa bà con dân bản dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng quý các thầy lắm. Bên cạnh đó, ban giám hiệu, Phòng giáo dục, chính quyền địa phương cũng thường xuyên động viên anh em, đặc biệt là tôi. Còn công tác trong ngành ngày nào là mình cố gắng phục vụ ngày đó”.

Ngày trước chưa có điện lưới, các thầy giáo phải thắp nến, đèn dầu để soạn giáo án. Đồ ăn quen thuộc với các thầy là măng rừng và cá khô. Có khi cả tháng trời, các thầy mới ra trung tâm xã mang vác đồ, rồi cuốc bộ hàng chục ki-lô-mét đường rừng vào dự trữ để ăn dần.

chuyen gia cam ban
Phòng ở công vụ của giáo viên cắm bản

Nhìn ngôi trường cấp bốn được xây khá kiên cố, thầy Ngọc chia sẻ, có được cơ sở vật chất này là do nhà nước đầu tư, bà con dân bản thì gùi gạch, đá vào góp công xây dựng. Ngày xưa, muốn vào bản chỉ có cách đi bộ từ bờ sông, đường xá lầy lội lắm. Mình đã xác định là nghề theo nghiệp.

Biệt danh “chuyên gia” cắm bản

Hơn chục năm gắn bó tại các điểm trường lẻ với biết bao buồn vui trong nghề, sống trong cảnh xa vợ con, gia đình, có những lúc, thầy Ngọc cũng cảm thấy chạnh lòng. Thầy chia sẻ, mới đầu lên có nhiều vất vả, nhưng đến giờ phút này đã ổn định tư tưởng và xác định ở đây thì yên tâm công tác. Bản thân thầy cũng mong muốn được về quê, vì bố mẹ già, con nhỏ, nhà lại neo người. Từ ngày vào đây dạy học, thấy các em học sinh đi học đều đặn, nhiều khi thầy thương các em vì điều kiện còn khó khăn, nhất là về mùa đông, quần áo không đủ mặc ấm.

Nhiều kỷ niệm với vùng đất này cứ ùa về trong tâm trí, thầy Ngọc xúc động khi nhắc đến sự quan tâm của bà con dành cho giáo viên cắm bản, nhất là ngày 20/11, thấy các thầy vất vả, bà con mang cho các thầy từ cái nồi, cái bát, đĩa. Lớp học mới vài năm trở lại đây được kiên cố hóa, còn trước là tranh tre, nứa lá, thi thoảng cả thầy và trò phải chạy ra ngoài vì mưa dột, mối mọt bụi trắng cả đầu. Với bà con là thế, còn với đồng nghiệp cũng như lãnh đạo ngành giáo dục huyện Quan Hóa, ngoài sự quan tâm, động viên, mỗi khi nhắc đến thầy giáo Nguyễn Hoàng Ngọc, mọi người dành tặng cho thầy biệt danh là “chuyên gia” cắm bản.

chuyen gia cam ban
Các thầy giáo ở điểm lẻ Giá 1

Thầy Lê Văn Sức - Chủ tịch công đoàn trường Tiểu học Thanh Xuân cũng là giáo viên điểm lẻ Giá 1 chia sẻ, thầy Ngọc lên đây cắm bản lâu lắm rồi. Trước đây chưa có điện, những khi hết dầu, anh em sinh hoạt cơm tối bằng cách nổ đèn xe máy hay đốt lửa lên. Còn các thầy cô đi cắm bản thì phải đi bộ từ bờ sông vào, dùng nứa đập bẹp ra để đốt lên đi, có nhiều hôm vào điểm trường đã 9 giờ tối. Món ăn “truyền thống” của các thầy là măng rừng và cá khô, những thứ này không thể thiếu được.

“Cuộc sống lúc đó vất vả vô cùng, học sinh đi học ít, mỗi khi học sinh nghỉ học, đêm đến, thầy giáo phải đến động viên, vì ban ngày các em theo bố mẹ lên nương. Được như thế này phải nói là thiên đường cuộc sống rồi. Anh em chúng tôi ở xuôi lên công tác, buổi đầu còn bất đồng ngôn ngữ, vừa dạy học sinh, nhưng vừa học lại của học sinh, qua đó hiểu hơn ngôn ngữ địa phương. Còn thông tin liên lạc với các thầy thì mù tịt”, thầy Sức tâm sự.

Có lẽ, niềm động viên lớn nhất với thầy Ngọc cũng như các đồng nghiệp nơi đây là được học sinh quý mến thầy. Mỗi khi các thầy hết gạo, gia đình học sinh mang lên cho các thầy ít gạo, hay ít măng rừng. Sau thời gian nghỉ tết, đến ngày đi học, các em còn đi bộ ra tận bờ sông cách điểm trường hơn 10 km để đón thầy. Tình cảm của phụ huynh, học sinh là niềm động viên lớn lao để các thầy có thêm động lực bám trường, đưa con chữ đến với học sinh.

chuyen gia cam ban
Thầy Nguyễn Hoàng Ngọc kiểm tra sóng điện thoại được treo trên mái nhà

Thầy Trịnh Ngọc Đông - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân chia sẻ, điểm trường Giá 1, có 5 nhóm lớp với 61 học sinh, trong đó chủ yếu là các em con đồng bào dân tộc Mường và Thái. Đây là khu lẻ xa nhất của nhà trường, đường đi vào khó khăn hơn các khu khác. “Thầy Ngọc ở miền xuôi lên đây công tác đến nay đã 12 năm, thầy chuyển đến bản Giá đã 10 năm nay. Cả gia đình, vợ con ở dưới xuôi , thầy lên công tác ít có thời gian về chăm sóc gia đình, đó là khó khăn của giáo viên cắm bản.

Trong công việc, thầy Ngọc là một Đảng viên, giáo viên luôn hoàn thành nhiệm vụ nhà trường giao. Thầy giáo trong khu luôn quan tâm bà con dân bản, cùng bà con thực hiện công tác giáo dục, vận động học sinh ra lớp, hoàn thành công tác phổ cập giáo dục của nhà trường. Thầy Ngọc đã được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen giáo viên điển hình 5 năm liên tục”.