Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ được tổ chức trong năm 2020. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Lúc này, nhiều công việc hệ trọng đang được cấp ủy các cấp tiến hành.

Trong đó, Đại hội không chỉ chú trọng công tác nhân sự mà phải xác định nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, phải đưa ra tầm nhìn dài hạn hay nói cách khác phải định vị tầm nhìn của địa phương, cơ quan, đơn vị.

chuan bi nhan su cap uy tranh nang nguoi nay ha nguoi kia
Ảnh minh họa.

Thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII, tỉnh Đồng Tháp đang tiến hành quán triệt và triển khai Chỉ thị đến từng chi bộ. Đặc biệt, tỉnh chủ động hướng dẫn một số vấn đề về công tác nhân sự tại Đại hội Đảng bộ các cấp. Tích cực, chủ động chuẩn bị nhân sự cấp ủy, bảo đảm cho sự thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp. Chuẩn bị nhân sự cấp ủy trên cơ sở quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, Đại hội không chỉ nêu chuyện nhân sự, chuyện người ngồi ghế này, ghế kia mà chủ yếu phải xác định nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, tầm nhìn dài hạn địa phương mình đang đứng ở đâu và 5 năm nữa, 10 năm nữa địa phương, ngành, lĩnh vực mình sẽ như thế nào? Tinh thần này đang được tỉnh Đồng Tháp quán triệt đến toàn bộ các cấp trực thuộc.

Theo ông Lê Minh Hoan, ngoài việc chuẩn bị Đại hội, còn phải giải quyết những vấn đề bức xúc trong địa phương, trong ngành. Bởi vì những đòi hỏi, bức xúc của người dân về công tác phòng chống tham nhũng, môi trường, khiếu nại đất đai, những vấn đề xã hội nổi cộm diễn ra hàng ngày, hàng tháng. Tất cả những tâm tư của người dân, không chỉ liệt kê trong báo cáo, văn kiện của Đại hội mà phải được giải quyết kịp thời.

Tại phiên họp 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh: “Dứt khoát không để lọt những người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức vào cấp ủy sắp tới. Nơi nào để xảy ra thì nơi đó sẽ bị kỷ luật”.

Bởi vậy, việc chuẩn bị nhân sự cấp uỷ phải trên cơ sở quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ. Đồng thời, chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, triển vọng.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần tăng cường kiểm soát công tác cán bộ và chuẩn bị nhân sự cấp uỷ; tránh biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tìm cách nâng người này, hạ người kia, gây nghi ngờ, làm mất đoàn kết nội bộ.

“Chuẩn bị cho Đại hội XIII và Đại hội các cấp lựa chọn cấp ủy để làm sao hạn chế đến mức tối đa hiện tượng “chạy chức, chạy quyền”. Còn nhớ khóa XI, Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Không để lọt vào Trung ương khóa XII những phần tử tham nhũng, chạy chức quyền, cơ hội chính trị. 3 điều này đều nguy hiểm, song tôi lo cơ hội chính trị nhiều hơn. Bởi vì cơ hội chính trị sẽ làm tha hóa toàn bộ chế độ chính trị”-PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết.

Trước đó, trong bài viết về chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng, đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức Đảng phải đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ.

Trong đó, ngoài lo lắng về công tác nhân sự thì xây dựng Văn kiện là nội dung quan trọng. Bởi nếu như chuẩn bị tốt về Văn kiện thì phải có người tổ chức thực hiện tốt. Người tổ chức thực hiện tốt mới rút ra cái được, cái không được trong quá trình thực hiện để khởi xướng, đề xuất chính sách cho Đại hội sau.

Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu không có đội ngũ cán bộ xứng đáng, đủ tâm, đủ tầm để tổ chức thực hiện thì Nghị quyết dù có chuẩn bị tốt đến đâu vẫn ở trên giấy. Ở đâu cũng vậy, từ cấp xã đến Trung ương, vấn đề then chốt, quan trọng bậc nhất là chọn ra đội ngũ cán bộ xứng đáng.

Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương đã có bước chuẩn bị, càng về sau, tiêu chuẩn của từng lớp cán bộ lại càng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, quy định tự thân nó không chọn được cán bộ mà đó là quy trình thủ tục hay là công cụ, quan trọng là người sử dụng nó như thế nào? Nếu như con người tâm sáng, minh bạch thì mới chọn được người xứng đáng, nếu như tâm đen tối, trí lu mờ thì vẫn có thể bẻ cong quy định để đưa người không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy.

Báo cáo chính trị của Đại hội là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, sự sáng tạo, tầm nhìn, khát vọng của đảng bộ và định hướng phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị. Báo cáo chính trị càng không phải chỉ là báo cáo thành tích. Trung ương đã xác định, trong báo cáo phải đưa ra tầm nhìn dài hạn hay nói cách khác phải định vị tầm nhìn với sự phân tích sâu sắc đúng thực tế, tiềm lực và khả năng của mình.

Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, những vấn đề căn bản nhất hoạch định về mặt chính trị, phát triển đất nước trong tầm nhìn 2045 chuẩn bị ngay từ bây giờ. Cùng với việc tổng kết 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thì cần tiếp tục phát triển đường lối chính trị, tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện đồng bộ mà Đại hội XII của Đảng vừa quyết sách. Đó là sự chỉ đạo mang tầm chiến lược, không thể có 1 đường lối đúng khi chúng ta không tổng kết thực tiễn đúng.

Chưa đầy 1 năm nữa sẽ diễn ra Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở và tiếp đó là cấp trên cơ sở để đến năm 2021 là tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Lúc này, nhiều công việc hệ trọng đang được cấp ủy các cấp tiến hành. Đó là những vấn đề khó cả về lý luận và thực tiễn, thách thức cả tư duy và hành động. Do đó, để Đại hội thành công đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cấp ủy trong chuẩn bị các công việc thật tốt, đặc biệt là về văn kiện và nhân sự ngay tại thời điểm này./.