Tại buổi tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Daniel J.Kritenbrink, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ; mong muốn tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ theo hướng thực chất, hiệu quả trên cả ba mặt song phương, khu vực và toàn cầu.

chu tich quoc hoi tiep dai su hoa ky va canada
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đại sứ Daniel J.Kritenbrink

Trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác toàn diện (thiết lập tháng 7/2013), quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã liên tục phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước.

Bày tỏ vui mừng trước những tiến triển mới, thực chất trong hợp tác quốc phòng - an ninh như việc chuyển giao tàu Hamilton và 6 tàu tuần tra cho Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quan hệ quốc phòng giữa hai nước còn nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ trong các vấn đề như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, xử lý các vấn đề an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước…

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ, thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ; bãi bỏ chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp, vì việc làm này sẽ ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của hàng triệu người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch Quốc hội có lời mời Ngài đại sứ có dịp đến thăm nơi nuôi trồng thủy hải sản của người dân để xem chu trình nuôi thủy hải sản.

Hoa Kỳ tiếp tục giúp Việt Nam nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam; tăng cường hợp tác về tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thiên tai; thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng; tiếp tục các nỗ lực rà phá bom mìn, tẩy độc môi trường, trợ giúp người tàn tật không phân biệt nguồn gốc.

Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam cảm ơn, hoan nghênh lập trường, thái độ tích cực của Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ. Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ tiếp tục có thông điệp, chính sách nhất quán đối với Biển Đông góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định, an toàn an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông; thúc đẩy, hỗ trợ tiến trình ngoại giao, pháp lý ở Biển Đông, thực thi tốt DOC, tiến tới COC; hỗ trợ các nước ASEAN.

chu tich quoc hoi tiep dai su hoa ky va canada
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ, thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự phát triển của quan hệ giữa Quốc hội hai nước trong thời gian qua. Nhấn mạnh Quốc hội Hoa Kỳ có vai trò rất quan trọng trong quan hệ hai nước, là cơ quan thông qua những quyết định quan trọng như bỏ cấm vận (1994), lập quan hệ ngoại giao (1995), ký Hiệp định Thương mại song phương BTA (2000) với Việt Nam, thông qua các Nghị quyết về vấn đề Biển Đông (2011, 2012, 2014,…), xem xét phê chuẩn Hiệp định quan trọng.

Đánh giá cao việc Quốc hội hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh các nghị sĩ Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam để hiểu biết thêm về văn hóa, đất nước, con người và những thực tế tích cực đang diễn ra ở Việt Nam.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian tiếp đón; nhất trí với những trao đổi, tầm nhìn tích cực của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với mối quan hệ hai nước; đồng thời khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ.

Đại sứ mong muốn trong thời gian tới sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Chủ tịch Quốc hội, các ủy ban, đơn vị của Quốc hội để nâng mối quan hệ hai nước lên một tầm cao mới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại và ngoại giao nhân dân.

Thông báo với Chủ tịch Quốc hội về chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tới thăm Việt Nam, Đại sứ Daniel J.Kritenbrink cho rằng, trong chuyến thăm này, ngài Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ tái khẳng định cam kết lập trường của Mỹ về vấn đề biển Đông theo hướng giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tăng cường năng lực biển, trong đó có cảnh sát biển của Việt Nam; cam kết về việc giải quyết hậu quả của chiến tranh, Mỹ sẽ cùng Việt Nam xử lý tẩy độc tại sân bay Biên Hòa.

Về việc cá da trơn của Việt Nam đang bị thanh tra, Đại sứ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, sẽ chuyển thông điệp này về Washington và Mỹ sẽ giúp Việt Nam đáp ứng những nguyên tắc về hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

chu tich quoc hoi tiep dai su hoa ky va canada
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Đại sứ Canada tại Việt Nam Ping Kitnikone.

Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Đại sứ Canada tại Việt Nam Ping Kitnikone.

Bày tỏ vui mừng đón tiếp Đại sứ Ping Kitnikone tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại chuyến thăm chính thức và tham dự Hội nghị APEC 2017 tại Việt Nam của Thủ tướng Canada J.Trudeau và hoan nghênh việc hai Thủ tướng đã ra tuyên bố chung về quan hệ “Đối tác toàn diện” giữa hai nước; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Canada.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Canada đã giúp đỡ Việt Nam trong các dự án ODA mới như, ứng phó với biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực hợp tác xã; đánh giá cao chính sách đối ngoại của Canada theo hướng tăng cường gắn kết với thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, coi trọng và tăng cường quan hệ với Việt Nam, ASEAN.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò là một thành viên quan trọng tại G7 và G20, Canada đã thể hiện quan điểm tích cực và xây dựng, ủng hộ lập trường giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng và tích cực thúc đẩy tiến trình ngoại giao và pháp lý; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, hai nước sẽ có bước phát triển mới trong quan hệ. Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, trong thời gian tới, hai bên cần tăng cường trao đổi các đoàn, trong đó có các đoàn nghị viện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ quan ngại về việc một số người Canada gốc Việt Nam muốn Quốc hội Canada thông qua dự luật S-226; mong muốn các nghị sĩ Canada sẽ sang thăm Việt Nam để hiểu hơn về tình hình thực tế tại Việt Nam.

Đánh giá cao chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền phụ nữ, quyền trẻ em của Canada, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hy vọng, hai nước sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này.

Đại sứ Canada cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về những lời nói tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định Canada rất chú trọng tới những vấn đề về gia đình, quyền phụ nữ, quyền trẻ em. Canada sẵn lòng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này với những cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn.

Với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm “Đối tác toàn diện”, Đại sứ Canada bày tỏ hy vọng, hai bên sẽ triển khai các lĩnh vực một cách hiệu quả để quan hệ hai nước đạt được tầm cao mới. Nhất là việc tăng cường trao đổi thông tin để các cơ quan và nhân dân hai nước hiểu biết nhau hơn.

Về vấn đề Biển Đông, Đại sứ Canada ủng hộ quan điểm của Việt Nam về bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải, thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử trên biển trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS).

Đại sứ Canada khẳng định, trong cộng đồng người Việt Nam tại Canada có một số người, nhất là nhóm người cao tuổi, có quan điểm và cách nhìn nhận khác về tình hình Việt Nam, đó là quyền của họ. Nhưng quan điểm ấy cũng như dự luật S-226 chắc chắn sẽ không làm ảnh hưởng tới quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Đại sứ Canada trân trọng thông báo, trong dịp Việt Nam tổ chức APPF-22, Canada sẽ có 14 thành viên nghị viện sang tham dự đầy đủ các nội dung của Hội nghị./.