“Lạm phát, bội chi kiểm soát trong tầm tay”

Thảo luận về báo cáo KT-XH của Chính phủ tại phiên họp 28 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, năm 2018, mục tiêu tổng quát đề ra cơ bản đã đạt và vượt, có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý những rủi ro, tác động của kinh tế thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ có thể có tác động tiêu cực; rủi ro về lạm phát và tỷ giá.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề cập đến các rào cản và thủ tục hành chính và công tác điều hành chỉ đạo ở một số nơi khiến doanh nghiệp vẫn còn kêu, có dự án doanh nghiệp theo đuổi nhiều năm vẫn chưa làm được.

“Do sợ sai, sợ trách nhiệm. Cứ nói môi trường kinh doanh thông thoáng nhưng khi đi vào người ta nói không đơn giản chút nào!” – Chủ tịch Quốc hội nói.

chu tich quoc hoi ky luat ky cuong duoc duy tri ngay mot tot hon
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp 28, sáng 15/10 (Ảnh: Quochoi.vn)

Đánh giá phát triển kinh tế trong 3 năm qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, con số ngày càng rõ hơn. Cùng với đó, năng lực cạnh tranh của nước ta rõ ràng tăng, được các tổ chức quốc tế công nhận; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, lạm phát, bội chi, nợ công đều kiểm soát “trong tầm tay”.

Cùng với đó là đời sống vấn chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính có những chuyển biến mạnh mẽ, kỷ luật, kỷ cương trong xã hội được duy trì ngày một tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phân công các Bộ chuẩn bị kỹ các báo cáo để phân tích, giải trình thuyết phục trước Quốc hội, như: Vì sao năng suất lao động năm nay không bằng năm trước? Thu ngân sách ở 3 khu vực FBI, DNNN, tư nhận đều chưa đạt dự toán? GDP tăng nhưng bền vững chỗ nào, tăng chỗ nào? Cùng với đó, một số vụ việc tiêu cực nổi lên trong xã hội cũng cần phân tích, tuy vậy, không nên lấy một số tiêu cực để phủ nhận các thành quả đạt được.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đánh giá báo cáo của Chính phủ khá rõ ràng, nhưng cần làm rõ thêm một số vấn đề, trong đó, cần đánh giá vì sao năng suất lao động còn ở mức thấp và hiệu quả của sử dụng ngân sách ra sao. Xuất khẩu phụ thuộc vào FDI tương đối lớn, DN trong nước còn nhiều khó khăn.

Ông Đỗ Bá Tỵ cũng đề cập đến cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và cho rằng cần có chính sách đánh giá dự phòng, bởi cuộc chiến này ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam, có thể đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ đưa ra những thách thức rất lớn.

Về xã hội, các hiện tượng tiêu cực được nêu ra nhiều, nhưng ông Đỗ Bá Tỵ đề nghị đánh giá nguyên nhân tại sao xảy ra nhiều như vậy, làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

“Ví dụ vừa qua công an xử lý, giải quyết vụ ma tuý ở Lóng Luông rất tốt, nhưng đặt ngược lại vấn đề, vì sao lại để xảy ra lâu thế, công tác quản lý địa bàn ở địa phương thế nào mà để vụ án lớn như thế, để công an phải mang cả xe thiết giáp đi đánh” – Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Ông Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị hết sức chú ý công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri. Bởi việc tiếp công dân theo luật nhiều nơi chưa làm được.

“Thông thường, người dân rất muốn gặp Chủ tịch tỉnh vì đó là cấp giải quyết cuối cùng, có thể quyết định vấn đề, nhưng Chủ tịch lại giao cho cấp phó, thậm chí giao cho Ban tiếp công dân của tỉnh, như vậy là không được. Đề nghị các địa phương phải tiếp công dân đúng theo Luật, để dân thấy được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Bộ trưởng phải “lăn vào” chứ không chỉ giao cấp dưới

Báo cáo thêm một số vấn đề tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ cơ bản đồng tình với đánh giá trong các báo cáo thẩm tra cũng như ý kiến trong UBTVQH. Báo cáo thẩm tra đánh giá sát tình hình, ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành trên các lĩnh vực.

“Hai báo cáo của Chính phủ và Quốc hội hy vọng sẽ tạo ra đồng thuận, đồng lòng đồng sức dưới sự lãnh đạo của Đảng để làm tốt hơn vào năm 2019 cũng như 5 năm” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, thể hiện từ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã có tác động tích cực tới chỉ đạo, điều hành. Biểu hiện như luật đầu tư công, quản lý tài sản công hay nghị quyết về xử lý nợ xấu, sửa đổi bổ sung Luật các tổ chưc tín dụng... ra đời kịp thời và đây là “điểm sáng của nhiệm kỳ này”.

Trong xây dựng pháp luật, nếu trước đây Bộ trưởng thường giao cho Thứ trưởng, rồi lại giao cho chuyên viên thì thời gian vừa qua Bộ trưởng phải “lăn vào” nên chất lượng cũng được nâng lên. Việc trả lời chất vấn cũng không phải để cho xong mà phải chuẩn bị kỹ để thuyết phục, hứa phải thực hiện và nghị quyết của Quốc hội nêu rất rõ, là cơ sở để người trả lời hành động.

“Chính phủ tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện công tác điều hành” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói và cho biết sau cuộc họp này, các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội./.