Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13, sáng 17/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri quận 4.

Tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe đại biểu Trần Du Lịch thay mặt tổ đại biểu báo cáo một số nội dung chính của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 sắp tới, các cử tri đã tập trung phản ánh nhiều ý kiến tới các đại biểu quốc hội về các vấn đề đã và đang gây búc xúc trong xã hội đó là tình hình đấu tranh với nạn tham nhũng chưa thực sự hiệu quả, vấn đề đổi mới chương trình sách giáo khoa, ô nhiễm môi trường, tiêu cực trong ngành y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, bất cập trong quản lý an toàn giao thông... ngày càng nghiêm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Đặc biệt, các cử tri có mặt tại buổi tiếp xúc đã thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lên tiếng phản đối sự xâm phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các cử tri bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đấu tranh hòa bình, đồng thời cử tri cũng lên án biểu hiện dân tộc cực đoan, gây chia rẽ làm mất an ninh trật tự của một số kẻ kích động, lôi kéo công nhân phá hoại tài sản của doanh nghiệp làm tổn hại đến lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp và của chính người lao động...

Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri quận 4, TP HCM sáng 17/5. (ảnh: VNE)

Lắng nghe và tiếp thu phát biểu kiến nghị của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa nhấn mạnh chủ trương nhất quán bảo vệ chuyển quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, phản đối hành động của Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định, chúng ta cần đoàn kết kiên quyết đấu tranh bằng biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ lợi ích đất nước trên tinh thần luật pháp quốc tế.

Chủ tịch nước khẳng định: "Việc Trung Quốc đưa dàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Biển Liên hợp quốc. Mọi tranh chấp phải giải quyết bằng luật pháp quốc tế, không được dùng vũ lực, đe dọa vũ lực để giải quyết tình hình."

"Điều quan trọng nữa là ai ở đâu thì án binh bất động, tạm giữ nguyên hiện trạng, không được làm thay đổi hiện trạng, đặt giàn khoan là thêm hiện trạng mới rồi. Khi tình hình càng khó thì phải phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân tộc. Trong thời đại này, Đảng lãnh đạo, đoàn kết chung quanh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội để đấu tranh, đòi Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình. Phương châm là phải hết sức kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, phải nhất quán điều này và chắc chắn toàn Đảng phải như vậy, toàn dân phải như vậy. Đồng thời phải hết sức bình tĩnh, không bị bất cứ một tác động nào kích động. Chúng ta chỉ muốn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, muốn hòa bình thì phải xây dựng đất nước nâng cao đời sống nhân dân nhưng cái gì phương hại đến điều đó thì chúng ta phải đấu tranh và biện pháp là đấu tranh bằng hòa bình."

Đối với vấn đề phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước cho rằng Đảng, Nhà nước quyết tâm xử lý nghiêm, nhất là đối với các vụ án tham nhũng lớn. Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã và đang làm quyết liệt chỉ đạo đưa các vụ án lớn ra xét xử. Chủ tịch nước khẳng định tham nhũng, lãng phí cũng chính là giặc nội xâm, do đó cùng với quyết tâm xử lý nghiêm của trung ương, chủ tịch nước đề nghị mỗi cử tri cần phát huy trách nhiệm của mình trong việc giám sát, phát hiện và kịp thời phản ánh tới các cơ quan chức năng.

Ghi nhận những kiến nghị của cử tri về các vấn đề cụ thể, Chủ tịch nước khẳng định sẽ chuyển tới Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm xem xét giải quyết trong tời gian tới để không phụ lòng tin tưởng của cử tri./.

Theo VOV