Sáng 13/10, tại Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVI), ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - dành thời gian nói về 5 “siêu ban” quản lý dự án với 984 người, trong đó có 5 công chức, 706 viên chức và 273 lao động hợp đồng.

5 ban này hình thành trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng 26 ban quản lý dự án tiền thân của thành phố.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, các ban quản lý dự án hình thành trên cơ sở nhập tất cả các ban quản lý dự án của các sở lại. Đến giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ xây dựng đề án vị trí việc làm của tất cả các ban quản lý dự án này.

“Sắp xếp theo đề án vị trí việc làm thì chắc chắn sẽ giảm các ban quản lý dự án này”, ông Nguyễn Đức Chung nói.

chu tich ha noi chac chan se giam 5 sieu ban voi gan 1000 can bo

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, sau khi hoàn thành đề án vị trí việc làm chắc chắn các ban quản lý dự án sẽ giảm xuống

Cùng với việc xây dựng đề án vị trí việc làm, TP Hà Nội cũng đang rà soát khoảng 400 dự án các ban quản lý dự án đang tiếp nhận. Trên cơ sở đó, nếu dự án nào không nằm trong chương trình đầu tư công, TP Hà Nội sẽ yêu cầu dừng lại. Dự án nào đã hoàn thành, TP sẽ tập trung thanh quyết toán, kiểm toán. Với dự án có chủ trương đầu tư, TP Hà Nội sẽ đôn đốc sớm triển khai.

Trước đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội vừa báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ của 5 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành của thành phố gồm có: Ban Quản lý Dự án dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý dự án giao thông, Ban Quản lý dự án NN&PTNT, Ban Quản lý dự án văn hóa xã hội, Ban Quản lý dự án cấp nước, thoát nước và môi trường.

Đại diện HĐND TP Hà Nội đánh giá, các Ban Quản lý dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động (kinh phí hoạt động trích theo tỉ lệ trên kế hoạch vốn được giao).

Đặc biệt, một số Ban Quản lý dự án chưa đủ kinh phí để trả lương cho cán bộ, người lao động năm 2017. Do vậy, Ban Quản lý dự án phải trình UBND TP Hà Nội ứng trước ngân sách.

Trong đó, Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thông đã được thành phố hỗ trợ 1,4 tỷ đồng và tạm ứng ngân sách thành phố 6,2 tỷ đồng; Ban quản lý dự án giao thông dự kiến chỉ đủ chi phí hoạt động đến hết quý 3/2017.

Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trên được Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hà Nội chỉ rõ là do số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao triển khai. Ngoài ra, thành phố chưa kịp hướng dẫn, quy định về phân công, phân cấp, ủy quyền trong quyết định phê duyệt dự toán chi phí quản lý của ban quản lý dự án.

Từ những bất cập trên, Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hà Nội kiến nghị các Ban Quản lý dự án chuyên ngành tiếp tục rà soát kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức của đơn vị, xây dựng bộ máy đảm bảo gọn nhẹ, chuyên nghiệp để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Từ đó, các ban đảm bảo nguồn thu để tự chủ kinh phí đáp ứng chi trả lương cho cán bộ, người lao động.