Theo tin của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, hồi 07 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây đảo Hải Nam, cách đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh khoảng 390km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km; khoảng chiều tối nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, sau đó bão sẽ đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Dự báo do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, từ trưa ngày 18/7, các khu vực huyện Đồng Hỷ, huyện Phú Bình, thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên và thị xã Phổ Yên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Lượng mưa cả đợt phổ biến 80 - 130mm; khu vực các huyện Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai có mưa, mưa vừa với lượng mưa cả đợt phổ biến 50 - 100mm.

Cảnh báo có nguy cơ xảy ra lũ lên nhanh, chảy siết trên các sông suối nhỏ vùng ven dãy núi Tam Đảo, ngập úng các vùng trũng thấp, đề phòng tố, lốc và gió giật mạnh trong và sau bão. Đợt mưa này có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 20/7.

Để chủ động ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện một số nội dung sau: Theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 3 và các loại hình thiên tai như mưa lớn, dông lốc, lũ quét, sạt lở đất,…từ cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là đối với lũ quét, sạt lở đất; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra an toàn các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa nước xung yếu, vận hành xả lũ đảm bảo an toàn công trình; tiêu úng cho các diện tích đang bị ngập, đặc biệt là diện tích lúa Mùa, hè Thu mới gieo cấy. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu về hồ đập, khẩn trương triển khai hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công, sửa chữa, nâng cấp. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, vùng nguy hiểm, vùng có có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, cầu tràn, cầu treo khu vực đường giao thông bị ngập hoặc sạt lở đất, đá; bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.

Các Sở, Ban, ngành và địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ, tố, lốc, lũ, sạt lở đất; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra, không được chủ quan. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo thời tiết để người dân biết phòng, tránh; phổ biến các tài liệu về ứng phó với mưa, lũ đến chính quyền các cấp và người dân biết, tránh tư tưởng chủ quan.

Các cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh qua số điện thoại:0208.3737.113; Fax: 02083.851.318; Email: phongchongthientaithainguyen@gmail.com để kịp thời chỉ đạo./.