Hậu quả, thiệt hại lớn

Thông tin từ Ủy ban Quốc gia TKCN, từ đầu năm đến nay, hầu như ngày nào cũng xảy ra tai nạn, sự cố trên biển. Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2017 đã xảy ra 288 vụ TT, TN, SC trên biển; với 1.375 người, 182 phương tiện, trong đó có 10 vụ, với 80 người, 5 phương tiện liên quan đến nước ngoài. Mặc dù công tác TKCN được các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng tổ chức thực hiện thường xuyên, kịp thời nhưng hậu quả từ các vụ việc trên vẫn rất lớn. Đã có 53 người chết, 51 người mất tích, 71 người bị thương, 175 phương tiện chìm, hỏng, 12 phương tiện mắc cạn, 15 phương tiện bị cháy... Điển hình như vụ tàu Hải Thành 26 bị nạn ngày 28-3, tại vị trí cách Vũng Tàu khoảng 40 hải lý về phía đông. Sau 3 ngày nỗ lực tìm kiếm, với nhiều lực lượng, phương tiện được huy động, đến ngày 1-4, các lực lượng TKCN đã cứu được 2 người và vớt được 9 thi thể thuyền viên bị nạn.

chu dong phong ngua han che tai nan su co tren bien

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 170 (Vùng 1 Hải quân) luyện tập cứu hộ, cứu nạn trên biển. Ảnh: Xuân Giang

Đề cập đến tình hình tai nạn, sự cố trên biển thời gian qua, Đại tá Trần Văn Kim, Chỉ huy trưởng Trung tâm Điều hành Quốc gia TKCN, phân tích: Trong 288 vụ việc xảy ra trên biển có 24 vụ do đâm va, 89 vụ hỏng máy thả trôi, 13 vụ mắc cạn, 14 vụ cháy, nổ, 47 vụ tàu chìm, 28 vụ tai nạn lao động, 44 vụ người trên tàu rơi xuống biển, 21 vụ người bị bệnh trên biển... Điều đáng nói là số vụ đâm va, tàu chìm, tai nạn, rơi xuống biển có chiều hướng tăng và thường gây ra hậu quả, thiệt hại lớn. Có nhiều nguyên nhân, ngoài yếu tố tác động khách quan do diễn biến phức tạp, bất thường, khó dự báo của thời tiết, khí hậu, thủy văn trên biển, các yếu tố về an toàn kỹ thuật phương tiện thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức chủ quan, thiếu trách nhiệm của chủ phương tiện, bất cẩn của người lao động khi hoạt động trên biển, cụ thể có tới 55 người rơi xuống biển. Có tàu, thuyền để chế độ tự động di chuyển, không cử người quan sát dẫn đến va đâm, gây tai nạn.

Nỗ lực phòng ngừa, giảm bớt thiệt hại

Nước ta có vùng biển rộng, bờ biển dài với 90 cảng biển, hơn 80 cửa sông lớn, 40 cửa lạch, 22 vũng vịnh, 2 quần đảo lớn là Hoàng Sa, Trường Sa và hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ. Biển, đảo có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế đất nước. Các hoạt động giao thông vận tải, đánh bắt hải sản trên biển đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho đất nước và người dân. Hiện nay, cả nước có khoảng 128.000 tàu cá, trong đó có khoảng 32.000 tàu đánh bắt xa bờ, huy động lực lượng lớn lao động trên biển. Nhận thức lợi ích to lớn từ biển và việc bảo đảm an toàn cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển lao động, sản xuất, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, giúp đỡ ngư dân, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng cùng tích cực tiến hành các biện pháp phòng ngừa, giảm bớt thiệt hại do TT, TN, SC gây ra trên biển. Để giảm bớt thiệt hại xảy ra đối với tàu, thuyền, ngư dân trên biển, các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát an toàn kỹ thuật tàu, thuyền, bảo đảm các tàu được trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn. Thực hiện nghiêm quy trình đăng ký, đăng kiểm tàu, thuyền theo quy định, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức của ngư dân về công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu, thuyền khi hoạt động trên biển, trang bị cho người dân các kiến thức cơ bản về bão, áp thấp nhiệt đới, cách phòng tránh.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, TKCN, thời gian qua, Quân đội ta, đặc biệt là các lực lượng như: Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống TT, TN, SC và TKCN trên biển, góp phần giảm bớt thiệt hại về người, tài sản cho Nhà nước và nhân dân. Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu), Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN, cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2017, toàn quân đã huy động 3.153 lượt người và 253 lượt phương tiện tham gia TKCN, đã cứu nạn 298 vụ việc, với 1.637 người và 165 phương tiện bị nạn. Trong đó, các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng... đã tích cực huy động lực lượng, phương tiện, phối hợp hiệu quả tham gia TKCN phần lớn số vụ việc trên biển, hạn chế đáng kể thiệt hại cho nhân dân. Cụ thể: Quân chủng Hải quân đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ và 11 phương tiện tham gia cứu nạn 20 vụ việc; Bộ tư lệnh Cảnh sát biển điều động 144 cán bộ, chiến sĩ cùng 11 phương tiện tham gia cứu nạn hàng chục vụ việc. Bộ đội Biên phòng đã điều động 599 cán bộ, chiến sĩ, 65 lượt phương tiện tham gia cứu nạn 55 vụ việc. Các đơn vị trên bờ biển và các đảo cũng tham gia tích cực trong công tác này, nhất là việc cấp cứu, chữa bệnh cho hàng chục ngư dân bị bệnh, tai nạn lao động trên biển. Những việc làm đó đã làm sáng đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, trở thành chỗ dựa tin cậy của ngư dân trên biển.

Tiếp tục thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"

Trong thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết, TT, TN, SC ở nước ta tiếp tục diễn biến bất thường, theo chiều hướng cực đoan, trái quy luật. Theo đó, tình hình thời tiết, khí hậu trên biển cũng sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Hầu hết các cơn bão, áp thấp nhiệt đới đều hình thành từ ngoài biển. Bên cạnh đó, hoạt động giao thông vận tải, lao động sản xuất trên biển ngày càng tăng sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gia tăng tai nạn, sự cố trên biển. Việc chủ động phòng ngừa càng trở nên cần thiết, cấp bách. Theo Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao cảnh giác, chủ động làm tốt công tác phòng ngừa trước những nguy cơ TT, TN, SC có thể xảy ra trên biển. Chú trọng làm tốtcông tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ phương tiện và người dân về các biện pháp phòng, chống TT, TN, SC, khắc phục các biểu hiện chủ quan, đơn giản khi hoạt động trên biển. Thực tế chứng minh, nhờ chủ động thông tin, tuyền truyền, phòng, chống tốt nên trong các cơn bão năm 2016 vừa qua, hầu như không có tàu, thuyền và ngư dân bị nạn trên biển. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, duy trì chấp hành nghiêm các quy định về giao thông vận tải, bảo đảm kỹ thuật tàu, thuyền, bảo hộ lao động của các chủ phương tiện, người hoạt động trên biển, kiên quyết phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm dẫn đến va đâm, gây tai nạn, sự cố, mất an toàn trên biển.

Khác với ở trên đất liền, công tác TKCN trên biển luôn gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, tốn kém do các yếu tố về khoảng cách địa lý, thời tiết, khí hậu, thủy văn... Nhờ thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, huy động nhiều lực lượng tham gia TKCN trên biển nên thời gian qua đã có hàng trăm vụ việc, các tàu, thuyền, ngư dân giúp đỡ nhau tự xử lý. Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm nay, các tàu, thuyền, ngư dân tự cứu giúp nhau trong 120 vụ, với 708 người, 62 phương tiện. Cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, Quân đội ta cần tiếp tục phát huy vai trò chủ lực, nòng cốt trong công tác này. Trước diễn biến phức tạp về TT, TN, SC xảy ra trên biển thời gian qua, đặc biệt là mùa mưa bão đang đến gần, Bộ Tổng tham mưu đã chủ động tập huấn cho cán bộ ngành cứu hộ-cứu nạn toàn quân, trong đó có nội dung quan trọng là “công tác phối hợp TKCN trên biển”. Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia TKCN, chỉ đạo: Các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển cần chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, có biện pháp cơ bản, toàn diện, phòng ngừa, giảm bớt vụ việc và thiệt hại do TT, TN, SC xảy ra trên biển. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị cần chủ động nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo sớm, chính xác về thiên tai, sự cố có thể xảy ra trên biển để người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa. Cần chủ động xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch, phương án ứng phó, tổ chức huấn luyện, diễn tập chặt chẽ, dự kiến sát, đúng các tình huống và sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp, hiệp đồng TKCN hiệu quả.../.