chu dong phong chong dich benh mua nang nong cho dan vat nuoi da ps
Người chăn nuôi tăng cường các biện pháp chống nắng nóng cho đàn vật nuôi

Là hộ chăn nuôi đã nhiều năm, vì thế, ngay từ đầu mùa nắng nóng, anh Đỗ Minh Tú, ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ đã chủ động các phương án che chắn, làm mát chuồng trại để phòng, chống nắng nóng cho đàn gà vì đây là vật nuôi chịu nhiệt kém, dễ sốc nhiệt và dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Nhờ sự chủ động này, đàn gà của gia đình anh Tú đã phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế ổn định với quy mô 700 con 1 lứa. Anh Đỗ Minh Tú chia sẻ: "Trong mùa nắng nóng, tôi chuẩn bị quạt, máng nước đầy đủ; để giảm nhiệt độ, không nên quạt trực tiếp vào đàn gà, quạt cách từ 50cm - 1m để đảm bảo thoát khí".

chu dong phong chong dich benh mua nang nong cho dan vat nuoi da ps
Công tác kiểm dịch được tăng cường thực hiện

Cũng là hộ chăn nuôi lâu năm, anh Nguyễn Việt Cường, ở xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên luôn xác định vấn đề đảm bảo an toàn đàn vật nuôi là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả chăn nuôi. Để đối phó với thời tiết oi bức, nhiệt độ cao, bên cạnh việc sử dụng giàn mát, che chắn chuồng trại thì anh Cường đã chú trọng việc bổ sung các máng uống nước và đặc biệt là có chế độ ăn hợp lý nhằm bổ sung các khoáng chất để tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch cho đàn vật nuôi. Anh Nguyễn Việt Cường cho biết: "Khi chăn nuôi trong mùa nắng nóng, đến 9 giờ sáng, tôi chủ động cho gà uống vitamin C, điện giải, hạn chế cho ăn nhiều khi trời nóng".

Theo thống kê, Thái Nguyên hiện có 100.000 con trâu, bò; trên 540.000 con lợn; 14,6 triệu con gia cầm. Vào mùa hè thời tiết nóng nắng, oi bức khiến gia súc, gia cầm ăn ngủ kém, sức đề kháng suy giảm mạnh; năng suất thịt và trứng giảm; các loại dịch bệnh dễ phát sinh, lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, mùa hè cũng là mùa mưa bão, có thể ảnh hưởng đến chuồng trại, nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời có thể gây tổn thất lớn. Chính vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh đã thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến thời tiết và dịch bệnh có thể xảy ra nhằm giúp các hộ chăn nuôi chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, đơn vị đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các địa phương tăng cường đôn đốc, giám sát việc phòng, chống nóng và dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ông Hoàng Công Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Phổ Yên cho biết: "Trong những ngày nắng nóng cao điểm, Trung tâm cũng tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi; cán bộ khuyến nông cơ sở sẽ trực tiếp hướng dẫn người chăn nuôi về các biện pháp phòng, chống nắng nóng".

chu dong phong chong dich benh mua nang nong cho dan vat nuoi da ps
Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh trao đổi với phóng viên

Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Quỳnh Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh thông tin thêm: "Khi thời tiết nắng nóng nên có biện pháp phun nước lên trên mái che và phun sương trong hệ thống chuồng trại; thức ăn nên giàu đạm, giảm chất béo và tinh bột. Trong đợt nắng nóng có thể bổ sung một số thức ăn rau xanh, một số loại vitamin; trong quá trình chăn nuôi phát hiện thấy các dấu hiệu bệnh truyền nhiễm cần báo ngay cho thú y cơ sở để có những biện pháp ngăn ngừa kịp thời".

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi là rất cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các ngành chuyên môn, người chăn nuôi cũng cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo đàn vật nuôi phát triển an toàn, ổn định./.