chu dong phong chong benh bach hau da ps
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Nguyên trao đổi với phóng viên

Phóng viên: Thưa ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Nguyên, những ngày gần đây, tình hình bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên, người dân cũng rất quan tâm tới nguyên nhân cũng như triệu chứng của bệnh bạch hầu, xin ông cung cấp thêm thông tin cho độc giả?

Ông Nguyễn Văn Trường: Bệnh bạch hầu là bệnh đã có từ lâu, với kết quả của Chương trình tiêm chủng mở rộng, chúng ta đã khống chế được trong nhiều năm. Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm và có thể gây tử vong nếu như chúng ta không phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, bạch hầu có thể dự phòng được bằng cách tiêm phòng văcxin và có thể điều trị được bằng kháng sinh nếu như điều trị sớm. Con đường lây truyền của bệnh chủ yếu là qua đường hô hấp, đặc biệt là những người không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, cơ thể không có kháng thể khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang chủng rất có thể bị bệnh bạch hầu. Khi tiếp xúc với những đồ dùng như: quần áo, các đồ chơi của trẻ em, thậm chí ăn cùng mâm với những người mắc bệnh bạch hầu hoặc người lành mang chủng vi khuẩn bạch hầu thì có thể mắc bệnh; có thể lây bệnh khi tiếp xúc qua da bị xây xát.

Triệu chứng của bệnh bạch hầu, đầu tiên là sốt, sau đó ho, đau họng, ho khan, khàn tiếng, chán ăn, xuất hiện những màng giả mạc phủ kín đường mũi, họng, da.

Phóng viên: Vậy người dân cần phải làm gì để phòng, chống bệnh bạch hầu?

Ông Nguyễn Văn Trường: Cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm chủng đầy đủ văcxin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván (văcxin 5 trong 1 hoặc văcxin 6 trong 1). Lịch tiêm chủng đầy đủ nhất là khi trẻ em được 2 tháng tuổi sang tháng thứ 3 bắt đầu tiêm mũi 1; tiêm mũi 2 cách mũi 1: 1 tháng; tiêm mũi 3 cách mũi 2: 1 tháng; tiêm mũi 4 cách mũi 3: 18 tháng tuổi. Sau đó, cứ 10 năm tiêm nhắc lại 1 lần sẽ tạo được 1 kháng thể vĩnh viễn cho cơ thể chống lại bệnh bạch hầu. Ngoài ra, các trường hợp phòng không đặc hiệu khác như: không tiếp xúc, tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phải tiếp xúc, phục vụ, cần phải bảo vệ cơ thể bằng cách đeo găng tay, đeo khẩu trang, tiếp xúc với khoảng cách nhất định; sau đó, rửa tay liên tục bằng xà phòng, súc họng, mũi, miệng bằng những dung dịch sát khuẩn. Khi ho, hắt hơi phải che miệng, đeo khẩu trang; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, lớp học, bề mặt các đồ chơi, đặc biệt là các đồ chơi ở các nhà trẻ, mẫu giáo. Khi nghi ngờ người bệnh nhiễm vi khuẩn bạch hầu cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị; những người ở trong vùng dịch cần uống thuốc dự phòng đầy đủ theo chỉ định của bác sỹ.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông với những thông tin ông đã chia sẻ với độc giả của Thainguyentv.vn!