Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62 KL/TW Trương Thị Mai chủ trì hội nghị. Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng; Phó Chủ tịch Thường trực Lương Quốc Đoàn; các Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm cùng đại diện MTTQ VN, các tổ chức chính trị - xã hội và các ban, đơn vị liên quan.

chu dong phat trien lan toa phong trao thi dua cua nong dan
Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Tuy An (Phú Yên) đầu tư vốn cho nông dân trồng rau an toàn, tăng thu nhập. Ảnh: Thanh Quang

Trưởng Ban chỉ đạo Trương Thị Mai cho biết “Thời gian tới Hội tiếp tục quan tâm, tôn vinh biểu dương các điển hình nông dân tiên tiến trong sản xuất kinh doanh và cả các cán bộ Hội tiêu biểu; tiếp tục phát triển mô hình mới, chi, tổ Hội nghề nghiệp, hội quán, mở rộng kết nạp hội viên trong các nghiệp đoàn. Hội cần tập trung hoạt động vào những vùng, sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn…”.

Thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, Đảng đoàn, Ban Thường vụ (BTV), Thường trực, Đảng ủy cơ quan T.Ư Hội đã quán triệt, triển khai gắn chặt với thực hiện Kết luận số 61-KL/TW. Đến nay, Đảng đoàn, BCH, BTV T.Ư Hội NDVN đã ban hành các văn bản cụ thể hóa việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội NDVN. Đó là, Hội tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 673, Quyết định 81; BCH Hội ban hành Nghị quyết 06 về tiếp tục xây dựng tổ chức Hội ND các cấp vững mạnh, Nghị quyết 34 thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội; Nghị quyết 07 về đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân, Nghị quyết 09 về tăng cường công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân.Lan tỏa phong trào thi đua

BTV T.Ư Hội NDVN triển khai Đề án 24 về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp trong hệ thống các cấp Hội…

Qua 10 năm thực hiện Kết luận 62 của Bộ Chính trị, đã có bước đột phá trong việc tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động gắn với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Các phong trào thi đua do Hội phát động tiếp tục phát triển sâu, rộng và được nâng cao về chất, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo nông dân tham gia, góp phần xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Hệ thống tổ chức Hội NDVN tiếp tục củng cố và phát triển. Tổ chức bộ máy, cán bộ có nhiều đổi mới theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ các cấp Hội từng bước được trưởng thành; trình độ năng lực được nâng lên, từng bước chuyên môn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội các cấp và chất lượng hội viên được nâng lên. Vai trò đại diện của Hội trong việc chăm lo cải thiện đời sống vật chất tinh thần; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân được phát huy.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Lương Quốc Đoàn khẳng định: Thay đổi lớn nhất trong thực hiện Kết luận 62 là nhận thức của cấp ủy với Hội ND đã được nâng cao, đến nay tất cả các hoạt động của Hội đã có sự chỉ đạo của cấp ủy. Nhờ Quyết định 673, Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ, vai trò gắn kết giữa hội viên với tổ chức Hội ngày càng chặt chẽ. 10 năm qua, việc đổi mới hoạt động của Hội rất rõ rệt với việc hướng mạnh về hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, từ đó có các dự án, chương trình, mô hình,… thu hút nông dân. Đối với tổ chức Hội ở cơ sở đã có bước tiến trong việc chia thành các chi, tổ Hội và xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp để sinh hoạt Hội gần gũi, xác thực hơn.

Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm báo cáo với Trưởng Ban chỉ đạo Trương Thị Mai về một số khó khăn trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Vấn đề tiêu thụ nông sản; sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi mới triển khai bước đầu; diện tích đất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu tích tụ, mặc dù Hội đã tuyên truyền vận động, nhưng cơ chế cho liên kết, hợp tác còn thiếu tính thuyết phục...

Phát huy tính chủ động

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Sau 10 năm thực hiện Kết luận 62, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã tạo chuyển biến cơ bản về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Quốc hội đã ban hành 2 nghị quyết về xóa đói giảm nghèo, đối tượng được hưởng lợi là nông dân. Chính phủ đã thể chế hóa Kết luận 62 bằng nhiều cơ chế, chính sách có tính đột phá phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn như Quyết định 673, Quyết định 81. Nhờ đó, Hội đã thay đổi phương thức tuyên truyền vận động, “nói đi đôi với làm” với các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, dạy nghề giúp nông dân ngày càng tin tưởng, gắn bó với Hội, trở thành cầu nối giữa nông dân với Đảng. Thời gian tới, BCH T.Ư Hội sẽ ban hành nghị quyết về kết nạp hội viên, làm rõ khái niệm "Người nông dân mới". Chủ tịch Thào Xuân Sùng đề nghị, với những hạn chế khó khăn của Hội, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Dân vận T.Ư để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Kết luận hội nghị, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Kết luận 62 Trương Thị Mai khẳng định: Việc thực hiện Kết luận 62 trong việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội có những điểm mới, đột phá, sát hơn với thực tế, cơ sở. Quỹ Hỗ trợ nông dân với các mô hình vay vốn có tính liên kết đang phát huy tích cực. Hội NDVN đã gắn chặt với thực hiện Nghị quyết 26 của Đảng, gắn liền với Kết luận 61, Quyết định 673 và 2 chương trình lớn của Chính phủ là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Trưởng Ban chỉ đạo Trương Thị Mai đánh giá tốt công tác phối hợp của Hội NDVN với chính quyền thông qua Quyết định 673, chương trình hợp tác giữa 2 bên, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Bộ NNPTNT. Đến nay với việc đã có 50% số xã trong cả nước thành xã nông thôn mới, Hội đã xác lập được đường đi đúng đắn của mình, trở thành cầu nối, củng cố niềm tin của nông dân với Đảng.