Cục Hậu cần đã tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tổ chức huấn luyện, quán triệt, giáo dục cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, yêu cầu của công tác bảo đảm hậu cần trong tình hình mới, nâng cao phẩm chất, năng lực, thái độ trách nhiệm tận tụy phục vụ và trình độ tham mưu tác chiến hậu cần, công tác chuyên môn cho cán bộ, nhân viên. Ngành hậu cần đã chủ động phối hợp trinh sát, hoàn thiện, bổ sung văn kiện, kế hoạch SSCĐ hậu cần, dự báo, tăng cường huấn luyện, diễn tập theo các tình huống. Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ hậu cần SSCĐ; chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, vật chất bảo đảm kịp thời các nhiệm vụ, nhất là thực hiện nhiệm vụ tuyến biên giới, tuyến biển, đảo, diễn tập, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… bảo đảm cơ động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

chu dong nguon cung hau can trong dip tet va cac nhiem vu
Mô hình nuôi gà tại Sư đoàn 5 (Quân khu 7). Ảnh DUY NGUYỄN

Bên cạnh đó, Cục Hậu cần Quân khu 7 tích cực, chủ động phát huy tốt tinh thần tự lực tự cường, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ; khai thác, phát huy sức mạnh tổng hợp nhiều nguồn lực trong bảo đảm nuôi dưỡng bộ đội, chỉ đạo các đơn vị quán triệt thực hiện nghiêm túc mức tiền ăn cho các đối tượng theo quy định của Bộ Quốc phòng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX) cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ. Các đơn vị phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở địa bàn đóng quân có các biện pháp chống dịch, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào TGSX. Để khắc phục dịch bệnh, Quân khu 7 đã hỗ trợ 5 tỷ đồng cho các đơn vị tái cơ cấu đàn gia súc, mở rộng chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm thay thế thịt heo (lợn). Phát huy tinh thần tự lực tự cường, các đơn vị đã khai thác, sử dụng tốt quỹ đất, phát huy hiệu quả mô hình “vườn-ao-chuồng-giàn”, TGSX tập trung cấp trung, lữ, sư đoàn, bố trí sử dụng đất trồng cây công nghiệp, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường. Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh và bộ CHQS các tỉnh chủ động tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh huy động vốn, kỹ thuật, công nghệ, quỹ đất của địa phương trong xây dựng khu vực hậu cần phòng thủ. Năm 2019, các địa phương đã đầu tư hơn 165 tỷ đồng xây dựng mới 55 trụ sở ban CHQS xã, phường, thị trấn và tổ chức tốt TGSX… Từ những biện pháp cụ thể, LLVT quân khu đã chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, khai thác tốt tiềm năng đất đai, khí hậu, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, hình thành nhiều mô hình TGSX hiệu quả, như: Chăn nuôi trâu, bò, dê, gà, vịt… Năm 2019, LLVT quân khu thu hoạch đạt 2.766 tấn thịt, 990 tấn cá, trên 4.866 tấn rau xanh, hơn 700 tấn trái cây, giá rẻ hơn thị trường 10-20%, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đưa thêm vào bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ bình quân hơn 2.000 đồng/người/ngày, bảo đảm quân số khỏe hơn 99,5%, chủ động nguồn cung bảo đảm tốt thực phẩm trong dịp Tết Canh Tý và các nhiệm vụ, không lệ thuộc vào thị trường.

Cục Hậu cần thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ tiền ăn, thực hiện nghiêm chế độ công khai tài chính hằng ngày, thực đơn tại bếp ăn gắn với phát huy hiệu quả trạm chế biến, giết mổ tập trung, vận hành, khai thác an toàn hệ thống bếp lò hơi cơ khí, bếp gas, giảm chi phí chất đốt ở các cơ quan, đơn vị. Cơ quan hậu cần các đơn vị đã tạo ra nhiều sản phẩm giá trị, như làm giò chả, muối nén rau, củ, quả, đậu phụ, thịt hộp… cải thiện chất lượng bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ. Trước tác động của dịch bệnh trên gia súc, ngành hậu cần phối hợp với các trung tâm y tế dự phòng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, ưu tiên giải quyết ở các trung, sư đoàn đủ quân.

Năm 2020, công tác hậu cần của LLVT Quân khu 7 đặt ra nhiều yêu cầu cao, phải hoàn thành tốt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân khu nhiệm kỳ 2015-2020. Vì vậy ngành hậu cần tập trung triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chương trình kế hoạch liên quan đến công tác hậu cần; phát huy mọi nguồn lực hậu cần phòng thủ, bảo đảm tốt hậu cần SSCĐ, nhiệm vụ đột xuất, hậu cần thường xuyên, bảo đảm cán bộ, chiến sĩ “ăn ngon, mặc đẹp, ngủ ấm, uống sạch”. Các đơn vị đẩy mạnh TGSX phấn đấu tự túc bảo đảm 100% rau sạch, 100% định lượng thịt, 75% định lượng cá; tiết kiệm 10% chi phí điện, xăng dầu… xây dựng doanh trại chính quy xanh, sạch, đẹp, giữ vững, cải thiện đời sống bộ đội, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, xây dựng LLVT quân khu vững mạnh./.