chu dong de phong dich benh
Ðoàn viên, thanh niên Thủ đô tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Ảnh: HÀ THU

Bộ Y tế đã có những khuyến cáo cộng đồng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà-phòng, bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh đến nơi đông người… Bên cạnh việc thực hiện tốt các biện pháp dự phòng này, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) đề xuất một số giải pháp chăm sóc dinh dưỡng và an toàn thực phẩm nhằm hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng. Ðây cũng là yếu tố quan trọng mà chúng ta có thể chủ động thực hiện để phòng tránh bệnh tật trong mùa dịch.

Những năm gần đây, thực phẩm chứa lợi khuẩn được người tiêu dùng quan tâm sử dụng do đặc tính có lợi cho sức khỏe. Probiotic hay lợi khuẩn gồm một nhóm các vi khuẩn khác nhau, có lợi cho sự tồn tại và phát triển của nhiều loài sinh vật khác, do phương thức sống cộng sinh tự nhiên, thường được tìm thấy trong hệ tiêu hóa của nhiều loài động vật. Chúng còn được gọi là “vi khuẩn thân thiện” hay “vi khuẩn có lợi” (vi khuẩn có lợi cho con người). Những vi khuẩn này được bổ sung vào chế độ ăn nhằm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột để cải thiện sức khỏe. Ðây là những vi sinh vật còn sống khi đưa vào cơ thể một lượng đầy đủ sẽ có lợi cho sức khỏe của “vật chủ” cộng sinh. Probiotic tăng cường sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cải thiện chức năng của hệ miễn dịch và nhiều lợi ích khác.

Hệ miễn dịch là một hàng rào tự nhiên bảo vệ cơ thể, probiotic có thể tăng cường miễn dịch thông qua việc thúc đẩy sự sản xuất các kháng thể, các tế bào có chức năng miễn dịch như tế bào sản xuất IgA, tế bào lympho T và tế bào diệt tự nhiên (Nature killer cell)… Nghiên cứu của đại học Reading (Anh) cho thấy nhóm nghiên cứu gồm những người tình nguyện uống sản phẩm có probiotic trong vòng bốn tuần có số lượng tế bào miễn dịch cao hơn so với nhóm đối chứng không uống probiotic.

Người Việt Nam có một số thói quen ăn uống không đúng, dễ làm lây nhiễm từ người mang mầm bệnh sang người lành. Khi nguy cơ dịch Covid-19 lây lan thì những thói quen ăn uống không có lợi cho sức khỏe cần sớm thay đổi. Trong bữa ăn của người Việt Nam, nhiều người thường có thói quen dùng chung một bát nước mắm/bát gia vị, dùng đũa của mình tiếp thức ăn cho người khác để tỏ sự tôn trọng với người lớn, sự hiếu khách và bày tỏ sự gần gũi thân mật, thậm chí còn gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng thay vì cho vào bát mới ăn.

Ðể hạn chế sự lây nhiễm các loại bệnh, cần thay đổi thói quen ăn uống như: Trên bàn ăn cần có thìa (muỗng)/đôi đũa sạch để dùng chung, mỗi người có thể tiếp thức ăn cho người khác hoặc lấy thức ăn cho mình bằng đôi đũa/ thìa dùng chung. Mỗi người có bát nước chấm/đĩa gia vị riêng để dùng tùy theo sở thích.

Ngoài ra, một thói quen cũng cần bỏ ngay là ăn mớm hay nhai mớm. Cách ăn này không phổ biến, nhưng vẫn còn xảy ra ở một số vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trẻ ăn cơm mớm hoặc cơm nhai thường là trẻ nhỏ, lứa tuổi ăn bột hay cháo. Ngoài việc bón cơm nhai, một số người còn mớm uống nước và nước hoa quả cho trẻ. Khi cho trẻ ăn bột, một số người có thói quen cho thìa bột vào miệng mình để ngậm cho nguội trước khi bón cho trẻ. Những thói quen nêu trên làm lây lan một số bệnh truyền nhiễm của người mang mầm bệnh cho người lành qua con đường ăn uống, đường hô hấp.