Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (25/6) đã tổng kết những mặt được, chỉ ra những hạn chế cần khắc phục của công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng.

Theo dõi diễn biến Hội nghị, nhiều cán bộ, đảng viên phấn khởi và bày tỏ niềm tin vào Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân cho rằng, Hội nghị lần này đã triệu tập đầy đủ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hơn 100 Ủy viên Trung ương và tất cả các cán bộ có trách nhiệm là một Hội nghị rất quan trọng. Hội nghị đánh giá được kết quả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện phòng, chống tham nhũng.

Thiếu tướng Phan Khắc Hải cho rằng, kết quả chống tham nhũng thời gian qua đã làm rất tốt, chúng ta đã lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

chong tham nhung dang da lay lai niem tin trong nhan dan
Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.

Phòng chống tham nhũng không phải chỉ có một đợt là xong mà đây là chống giặc nội xâm, rất tinh vi, vì vậy chúng ta phải làm kiên trì và lâu dài. Qua Hội nghị lần này đã tổng kết những việc làm được, chỉ ra những điều hạn chế, thiếu sót để công tác này hiệu quả hơn.

Cũng đồng quan điểm với Thiếu tướng Phan Khắc Hải, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng thực sự là một sự kiện lớn, làm rõ những việc đã làm được và đề ra những giải pháp để công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới được triệt để hơn.

Về những phát biểu của Tổng Bí thư tại buổi khai mạc, Thiếu tướng Lê Mã Lương bày tỏ đồng tình và khẳng định Tổng Bí thư đã thể hiện tâm và tầm trong chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, vừa quyết liệt, vừa có tình có lý.

chong tham nhung dang da lay lai niem tin trong nhan dan
Thiếu tướng Lê Mã Lương, AHLLVT, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Trong báo cáo tình hình kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay cũng khẳng định, sau hơn 4 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư và nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng đã có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, “có chiều hướng thuyên giảm”, củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng, không còn khái niệm đánh tham nhũng chỉ “đánh từ vai đánh xuống” như trước nữa, mà việc chống tham nhũng đã thực sự không nể nang, né tránh, không vùng cấm. Qua đây đã tạo được niềm tin của người dân đối với Đảng trong công cuộc đấu tranh này.

Cũng nhận xét về kết quả phòng chống tham nhũng thời gian qua, Thiếu tướng Phan Khắc Hải cho rằng, tham nhũng hiện nay ngày càng tinh vi, tham nhũng đã kết hợp giữa những người có tiền với kẻ có quyền lực, thậm chí kết hợp cả hai yếu tố tiền, quyền và cả xã hội đen. Nếu không tổng kết, không nhận diện được tham nhũng thì công cuộc chống tham nhũng sẽ đi vào bế tắc. Chống tham nhũng, trước hết phải kiểm soát được quyền lực. Quyền lực của người đứng đầu và quyền lực từ chính sách trao cho người đứng đầu.

Nêu sáng kiến trong việc phát huy hiệu quả giám sát của nhân dân đối với cán bộ, Thiếu tướng Phan Khắc Hải cho rằng, hiện nay tiếng nói của người dân chưa thực sự được lắng nghe. Việc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội chưa phản ánh được hết tâm tư nguyện vọng và ý kiến của người dân, đặc biệt những ý kiến về biểu hiện tham nhũng, ý kiến “trái chiều” trong đánh giá về một “ông quan” nào đó, thường sẽ rơi vào im lặng.

Để tiếng nói của người dân thực sự được lắng nghe, được tiếp thu, Thiếu tướng Phan Khắc Hải cho rằng, cơ quan chống tham nhũng cần đến thẳng nơi ở của những lãnh đạo cấp cao để tổ chức những cuộc gặp với nhân dân khu vực đó, cho họ thoải mái nhận xét, đánh giá mà không lo bị trù dập.

Hình thức này cũng có thể áp dụng với tất cả các cơ quan, các cấp chính quyền để nhân viên được nói lên những hạn chế, khuyết điểm của lãnh đạo và mong muốn của họ đối với lãnh đạo.

Người được góp ý, nhận xét không có mặt tại cuộc họp và những ý kiến đánh giá bằng lời hoặc văn bản sẽ được đảm bảo bí mật, nhân dân không lo bị trù dập, nhân viên không lo bị đuổi việc.

Còn Thiếu tướng Lê Mã Lương, AHLLVT nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam cho rằng, việc đánh mạnh vào tham nhũng đã thực sự có tác động, làm thay đổi ý thức, nhận thức và hành động của cả bộ máy công quyền. Để tạo được sự thay đổi lớn này xuất phát từ sự chỉ đạo chiến lược của Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự nhất quán cao độ của Ban Chấp hành Trung ương.

Thiếu tướng Lê Mã Lương cũng cho rằng, các bước đấu tranh chống tham nhũng đạt kết quả như thời gian vừa qua có sự chỉ đạo rất chắc chắn, quyết liệt và thận trọng của cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

“Chống tham nhũng là một việc làm phức tạp, khó khăn, nhưng nếu không làm thì uy tín của Đảng sẽ xuống thấp, nhân dân mất niềm tin. Rất may, thời gian qua Đảng đã làm được cái việc khó khăn ấy, đã lấy được niềm tin của người dân với Đảng”-Thiếu tướng, AHLLVT Lê Mã Lương nhấn mạnh./.