Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, từ đầu tháng 4/2019, các doanh nghiệp không được vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm sản xuất kinh doanh hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước.

Những doanh nghiệp này phải chuyển từ vay sang mua ngoại tệ trên thị trường hoặc vay vốn bằng VND. Riêng các doanh nghiệp vay ngoại tệ trung dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi có đủ nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng chỉ thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.

Theo Ngân hàng Nhà nước, lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ đang được tiếp tục thực hiện trong năm nay nhằm chuyển dần quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Cụ thể, giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng dư nợ tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Mục đích nhằm khuyến khích nắm giữ VND, thu hẹp hoạt động tiền gửi và cho vay ngoại tệ theo chủ trương của Chính phủ.

chong do la hoa siet viec dung ngoai te cua doanh nghiep
Việc chống đô la hóa sẽ có lợi cho nền kinh tế. (Ảnh: KT)

Chuyên gia kinh tế-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc quyết liệt chống đô la hóa là cần thiết, tuy nhiên đến nay, “công cuộc” chống đô la hóa tại Việt Nam chưa được triệt tiêu hoàn toàn, hoạt động này vẫn tồn tại trong nền kinh tế và vẫn còn tình trạng người dân, doanh nghiệp được vay USD và găm giữ USD.

Nhìn nhận một cách khách quan và đa chiều, ông Hiếu cho rằng, việc chống đô la hóa đương nhiên gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, vì từ trước đến nay, các doanh nghiệp được vay USD với lãi suất thấp mà bây giờ phải vay VND với lãi suất cao thì sẽ gây bất lợi cho việc sản xuất, kinh doanh của họ.

Hơn nữa, lãi suất trong nước hiện vẫn ở mức cao, từ 9-13%/năm, trong khi tại các nước tiên tiến thì lãi suất thấp hơn nhiều. Thành ra, với việc không được vay USD nữa sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất.

Ở chiều ngược lại, theo ông Hiếu, việc chống đô la hóa sẽ có lợi cho nền kinh tế, bởi nền kinh tế Việt Nam đang tiến đến giai đoạn chỉ có một đồng tiền để thanh toán và giao dịch trên toàn lãnh thổ mà thôi. Do đó, việc thu hẹp tín dụng ngoại tệ đến thời điểm này là rất cần thiết, động thái này sẽ khiến giá USD ổn định, doanh nghiệp và thị trường không còn tình trạng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ từ đó giảm rủi ro liên quan đến tỷ giá.

TS. Bùi Quang Tín cũng cho rằng, việc chống đô la hóa là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay vì khi người dân vay ngoại tệ quá nhiều thì việc sử dụng VND sẽ hạn chế, sức mạnh của VND sẽ bị suy giảm.

Ông Tín phân tích, khi một nền kinh tế có tỷ lệ đô la hóa trên 30% thì đây là điều đáng báo động, tỷ lệ rủi ro khá cao và đáng bị cảnh báo. Thời gian qua, tỷ lệ đô la hóa tại Việt Nam đạt trung bình khoảng 10% được xem là tỷ lệ thấp nhưng nếu không kiểm soát tốt thì tỷ lệ đó sẽ vượt lên 10% và có thể cao hơn. Bởi thực tế vẫn có nhiều người muốn vay USD, muốn đầu cơ USD, khi người dân vay USD nhiều thì rõ ràng tỷ lệ đô la hóa tăng lên.

“Kiểm soát tốt việc đô la hóa nền kinh tế là rất cần thiết, giúp tăng sức mạnh của VND, giúp cho việc điều hành chính sách tiền tệ, điều hành lãi suất VND, điều hành tỷ giá USD-VND cũng như điều hành hạn mức tín dụng của NHNN ngày càng tốt hơn”, TS. Bùi Quang Tín cho hay.

Về phía NHNN, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị này đã mua thêm khoảng 6,2 tỷ USD dự trữ ngoại hối, điều này cho thấy, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường khá dồi dào. Nếu năm nay cả nước tiếp tục xuất siêu, dòng ngoại tệ từ kiều hối, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài... sẽ giúp tăng thêm nguồn cung ngoại tệ cho thị trường. Đây cũng là động thái tích cực, góp phần đáng kể vào công cuộc chống đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ./.