Với việc bỏ ra số tiền từ 50 đến 70 ngàn đồng, khách hàng có thể chọn cho mình một chiếc quần bò, thậm chí một chiếc áo khoác khá ưng ý trong mùa đông ấm áp này tại chợ sinh viên. Và để thu hút khách đến với hàng mình, những tiểu thương tại chợ đã trang bị cho mình những vật dụng khá chuyên nghiệp như thế như loa chào khách hàng, đi cùng với đó là những "chiêu" khuyến mại có "một không hai". "Chúng em từ tỉnh ngoài đến đây học tập, với đồng tiền ít ỏi mà gia đình chu cấp, việc lựa chọn hàng hóa, quần áo, thậm chí sách cũ tại đây là rất phù hợp" - Sinh viên Đào Thị Huyền - Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên cho biết.

Các mặt hàng được bày bán tại "Chợ sinh viên" khá phong phú, đa dạng

Nắm bắt gu thời trang của sinh viên, thích mới, lạ, độc nhưng phải rẻ, các chủ cửa hàng đã nhập hàng Trung Quốc về đây bày bán từ dày dép, quần áo, túi xách... Quả thật, nếu tinh ý, mua hàng ở đây bao giờ giá cả cũng rẻ hơn nhiều lần so với các nơi khác. Ví dụ, một chiếc quần bò nữ cùng loại, ở nơi khác bán từ 150 ngàn trở lên, nhưng tại đây chỉ có giá từ 70 đến 100 ngàn đồng. Tìm hiểu và được biết, các tiểu thương tại đây có đầu mối tại các chợ biên giới, thậm chí nhập hàng tận gốc từ Quảng Châu – Trung Quốc nên mới có giá rẻ như vậy. "Tôi bán hàng tại khu vực này đã hơn chục năm nay. Khách chủ yếu là người quen, nếu không thì đại đa số đều là sinh viên. Khi mua, họ cũng chủ yếu theo thói quen, chứ cũng ít ai quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ. Họ cứ thấy rẻ là họ thích rồi". Chị Nguyễn Thị Hậu - Tiểu thương tại chợ cho biết.

Với ưu điểm giá rẻ, đa chủng loại, nên buổi chiều hàng ngày, khu vực chợ sinh viên đều đông nghẹt người đến mua sắm. Tuy nhiên, do tâm lý ham rẻ, lại phù hợp với điều kiện thu nhập, nên hầu hết người mua hàng đều không quan tâm đến nguồn gốc xuất sứ và chất lượng của sản phẩm, mà chỉ mua hàng theo cảm quan của mình. Bởi, đứng chung với mặt hàng có đôi chút thương hiệu là vô số sản phẩm rẻ tiền, không rõ xuất xứ chỉ 10-20.000 đồng/sản phẩm, mà nhìn vào không thể biết được thành phần cũng như thời hạn sử dụng. Tìm hiểu và được biết, nhiều sinh viên tại đây tỏ ra e ngại khi thấy chúng tôi đến tìm hiểu thông tin về hàng hóa tại chợ. Nhưng khi trao đổi, họ đều nói: "Một chiếc quần trên dưới 100 ngàn, mặc được 1 mùa là tốt lắm rồi. Bây giờ, các cửa hàng "Quảng Châu" đều đông nghẹt người, chứ cứ gì ở đây đâu. Chúng em là sinh viên, cũng chẳng mấy khi quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, cứ nhìn thấy bắt mắt, giá rẻ là mua thôi"...

Khu vực "chợ tự phát" do các hộ dân tự cơi nới sảnh làm nơi bán hàng đang bị bỏ ngỏ khâu quản lý

Khu vực "Chợ sinh viên" này đã tồn tại từ nhiều năm nay. Và khó có thể phủ nhận được những lợi ích chợ mang lại đối với sinh viên, thậm chí những người có thu nhập bình quân. Theo bà Phạm Thị Hồng Hạnh – Phó Chủ tịch UBND Phường Quang Trung cho biết, để thuận lợi cho việc kinh doanh của các tiểu thương, UBND phường Quang Trung đã chuyển mô hình từ chợ Sư phạm sang kinh doanh chợ tạm trên trục đường Lê Quý Đôn thuộc phường Quang Trung, và mặt bằng chợ đã được bàn giao cho Cty TNHH Phương Nhung triển khai xây dựng. Cũng theo bà Hạnh, hiện nay, khu vực chợ tạm này có 64 ki ốt dành cho 64 hộ kinh doanh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của thainguyentv.vn, bên cạnh 64 hộ kinh doanh này, nhiều người dân sống tại đây cũng tự cơi nới tiền xảnh nhà mình làm chỗ kinh doanh... và gần như không có sự quản lý.

Chính quyền địa phương thì cho rằng đã tích cực vào cuộc để duy trì an ninh trật tự của chợ. Nhưng theo ý kiến của nhiều hộ kinh doanh trong số 64 hộ thuê ki ốt, chính quyền địa phương cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa để quản lý việc kinh doanh tự phát của các hộ dân quanh khu vực, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây mất trật tự trị an. Và nếu họ có nhu cầu kinh doanh, sinh lời, chính quyền cũng cần xem xét lại việc quy hoạch chợ để không "bất công" cho những hộ kinh doanh chính đáng./.


P.V