Tại Hội thảo phẫu thuật nội soi, nạo vét hạch trong điều trị ung thư dạ dày diễn ra ngày 3/10, do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phối hợp với Hội phẫu thuật nội soi Việt Nam và Hội phẫu thuật nội soi Nhật Bản tổ chức, GS Giang bày tỏ lo ngại khi nhiều người bệnh vẫn có những hiểu lầm về bệnh ung thư, bỏ qua giai đoạn vàng điều trị.

chiu canh ung thu da day di can vi so dung dao keo
GS.TS Trần Bình Giang (đứng giữa) thực hiện một ca phẫu thuật nội soi điều trị ung thư dạ dày. Ảnh: H.Hải

Thực tế tại Bệnh viện Việt Đức, trong 150 - 200 ca phẫu thuật mỗi tuần thì đến 30 - 40% là phẫu thuật liên quan đến ung thư. Số bệnh nhân đến viện khi ở giai đoạn muộn khá đông vì sợ mổ, sợ điều trị và sử dụng các biện pháp như bỏ đói tế bào, ăn gạo lứt… “Các biện pháp này không điều trị được ung thư, khiến ung thư càng phát triển khi đến viện thì đã không còn điều trị được nữa”, GS Giang nói.

Riêng với ung thư dạ dày, tại Bệnh viện Việt Đức mỗi tuần có khoảng 15 trường hợp ung thư dạ dày, tiêu hóa, trực tràng phải tiến hành can thiệp, với đối tượng bệnh nhân ngày càng trẻ hóa, thậm chí 30 tuổi đã mắc ung thư dạ dày. Tỷ lệ tử vong tính trên đầu người do ung thư dạ dày ở Nhật Bản là 13.8/100.000 người, trong khi tỷ lệ tại Việt Nam là 14,3%.

Tại Nhật Bản, 40% số ca phẫu thuật ung thư dạ dày được thực hiện dưới hình ảnh nội soi hỗ trợ phẫu thuật và tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng bởi việc phát hiện sớm. Trong khi đó Việt Nam cũng áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện, nhưng số bệnh nhân được phát hiện sớm vẫn còn hạn chế do người bệnh e ngại việc khám sức khỏe định kỳ, nội soi dạ dày theo chỉ định ở những người có nguy cơ cao.

GS Giang nhấn mạnh, mỗi người nên khám đầy đủ sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện bệnh lý và được điều trị. Đặc biệt với ung thư dạ dày, để phát hiện không chỉ đơn giản khám sức khỏe thông thường, mà buộc phải tiến hành nội soi dạ dày để có thể phát hiện sớm ung thư.

Trong thực tế, nhiều người cứ đau bụng, đầy hơi, khó tiêu họ nghĩ ngay đau dạ dày, tự mua vài liều thuốc về uống, thấy đỡ rồi thôi chứ không có ý thức đi khám. Hoặc giả đi khám nhưng lại ngại nội soi dạ dày. Trong khi đó, dạ dày là một tạng rỗng, có thể hình dung nó như một quả bóng, vì thế khám bên ngoài sẽ không thể thấy được những tổn thương bên trong. Việc siêu âm, chụp dạ dày có cản quang cũng chỉ phát hiện ở một chừng mực nhất định, khi bệnh đã ở giai đoạn muộn do khối u quá lớn.

“Để chẩn đoán ung thư dạ dày là phải làm nội soi để có thể nhìn thấy tổn thương và lấy mẫu tế bào để sinh thiết, làm các xét nghiệm khác. Phương pháp nội soi không chỉ phát hiện mà còn là phương pháp điều trị. Như với người mắc bệnh ở giai đoạn sớm, người ta có thể qua nội soi hớt phần niêm mạc bị ung thư và giữ nguyên dạ dày, bệnh nhân sống thêm vài năm. Trong khi đó, ở giai đoạn muộn bệnh nhân vừa phải phẫu thuật, xạ trị mà cơ hội sống vẫn rất khó khăn. Vì thế, việc nội soi định kỳ ở người có tiền sử đau dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP là vô cùng quan trọng”, GS Giang nói.

Trên thế giới nhiều nước thực hiện chương trình tầm soát toàn quốc gia, áp dụng cho những người từ 40 tuổi trở lên thực hiện soi dạ dày 2 năm một lần. Tại Việt Nam, GS Giang khuyến cáo với những người có bệnh lý đường tiêu hóa cần chủ động đi khám, nội soi dạ dày ngay khi có dấu hiệu đau dạ dày, ăn uống khó tiêu, nôn, buồn nôn… Những người từng bị chẩn đoán viêm loét dạ dày hay bị các rối loạn tiêu hóa mà điều trị nội khoa lâu không đỡ cũng cần đi nội soi lại để kịp thời phát hiện bệnh.