Sau khi Mỹ quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã ra đòn đáp trả với việc áp mức thuế mới lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Cuộc đối đầu ‘không khoan nhượng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã và đang gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu, đặc biệt là khu vực Châu Á.

chien tranh thuong mai my trung quoc tang nhiet chau a lo hay mung
Chính quyền Tổng thống Trump đánh giá Trung Quốc là “một đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Ảnh: AP.

Tờ “This Week in Asia” dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, những quốc gia châu Á vốn là nơi tập trung các cơ sở sản xuất giá rẻ như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh các công ty tìm cách chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc bởi chi phí kinh doanh tăng cao. Tuy nhiên, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, vốn có nền kinh tế tăng trưởng mạnh sẽ phải đối mặt với viễn cảnh ảm đạm do lượng xuất khẩu giảm và kế hoạch phát triển của các công ty rơi vào tình trạng bấp bênh.

Trong một động thái cứng rắn hơn, Tổng thống Trump ngày 15/5 đã ban bố sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước sử dụng thiết bị viễn thông nước ngoài có nguy cơ đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Cũng chỉ vài giờ sau đó, tập đoàn công nghệ Huawei và 70 chi nhánh của tập đoàn này đã bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại. Theo đó, Huawei sẽ bị cấm mua các thiết bị và phụ tùng từ các công ty Mỹ mà không có sự phê duyệt của chính phủ Mỹ. Quyết định của Mỹ đã mở ra một chiều hướng mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, làm dấy lên nhiều lo ngại tại Bắc Kinh.

Ông Jakob Korslund, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Deutsche Risk ở Singapore nhận xét, các công ty trên khắp Châu Á sẽ nhìn nhận những diễn biến mới nhất này như một lời nhắc nhở rằng hoạt động kinh doanh không thể tách rời bối cảnh chính trị đang diễn ra hiện nay. “Đây là vấn đề ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trong các cuộc họp ban lãnh đạo của doanh nghiệp và trong giới kinh doanh”.

Ai là bên hưởng lợi?

Các chuyên gia cho biết, một số nền kinh tế lớn của ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Malaysia, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại. Malaysia sẽ nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực khí hóa lỏng tự nhiên, Thái Lan trong ngành công nghiệp ô tô còn Việt Nam trong ngành nội thất và may mặc. Bên cạnh đó, cả 3 quốc gia này cũng sẽ thu được nhiều lợi nhuận trong lĩnh vực công nghệ thông tin và sản xuất thiết bị điện tử, báo cáo Triển vọng kinh tế 2019 của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cho biết. Sự kết hợp giữa môi trường pháp lý ổn định, cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện và khả năng đẩy mạnh chi tiêu công sẽ giúp Việt Nam, Thái Lan, Malaysia vượt qua sự sụt giảm về xuất khẩu trên toàn khu vực và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư từ nước ngoài.

Ông Michael Taylor, Giám đốc phụ trách chiến lược và tiêu chuẩn tín nhiệm của Moody’s đánh giá, cuộc chiến thương mại nhìn chung có tác động tích cực đối với những nền kinh tế đang phát triển Đông Nam Á, song chỉ những quốc gia biết đầu tư và đặt nền tảng đúng đắn mới tận dụng triệt để cơ hội mà nó mang lại. Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đã sớm nắm bắt được xu hướng và có sự đầu tư lớn vào cơ sở hạng tầng. Ngân hàng phát triển Châu Á ước tính, các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực sẽ cần 1,7 nghìn tỷ USD chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mỗi năm, từ nay đến năm 2030.

Jon Cowley, chuyên gia luật thương mại tại công ty luật Baker McKenzie, có trụ sở tại Hồng Kong, cho biết các công ty thường ngần ngại xây dựng những nhà máy mới trong thời điểm có nhiều biến động, nhưng nếu như việc tăng thuế kéo dài quá lâu họ sẵn sàng đầu tư vào những cơ sở sản xuất mới. "Đông Nam Á đang ở vị trí đắc lợi”. Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết sự chuyển đổi mới chỉ diễn ra trong những ngành công nghiệp có lao động tay nghề thấp như dệt may, sản xuất đồ thủ công, còn những lĩnh vực đòi hỏi lao động tay nghề cao như công nghệ thông tin mới đang trong giai đoạn rục rịch chuẩn bị.

Theo các nhà phân tích, Việt Nam với mức tăng trưởng GDP đạt 7% trong năm 2018 sẽ là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư muốn thoát khỏi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Tommy Wu, nhà kinh tế cao cấp tại Oxford Economics chỉ rõ: “Trong thời gian tới, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi ích chính từ sự thay đổi chuỗi cung ứng sản phẩm, do vị trí gần Trung Quốc và có nhiều chính sách phù hợp tạo điều kiện cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài”. Dữ liệu từ tập đoàn tài chính HSBC cho thấy, chỉ riêng trong tháng 4, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng 29% trong khi vốn đầu tư từ nước ngoài tăng hơn 200%.

Ngoài Việt Nam, Malaysia cũng là “thỏi nam châm” để thu hút chuỗi cung ứng di dời khỏi Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Mức lương trung bình tại Malaysia cao hơn so với các nước láng giềng với GDP bình quân đầu người vào khoảng 10.000 USD. Bên cạnh đó, Malaysia còn có cơ sở hạ tầng hiện đại và tạo dựng được môi trường thân thiện với kinh doanh.

Trong khi đó, Thái Lan cũng có thể tận dụng việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, mặc dù nền kinh tế của nước này sẽ bị ảnh hưởng về ngắn hạn. Trước đó ngân hàng Kasikorn của Thái Lan dự đoán “nhờ những nền tảng mạnh mẽ và vị trí gần Trung Quốc”, nước này nhiều khả năng sẽ gặt hái được lợi ích từ việc tái bố trí chuỗi cung ứng và đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực điện tử và sản xuất phụ tùng ô tô.

Tuy nhiên, bức tranh không phải chỉ một màu hồng. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, cuộc chiến thương mại có thể khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN của Trung Quốc bị sụt giảm. Đây là lý do tại sao nhiều quốc gia được dự kiến sẽ hưởng lợi từ việc tái bố trí các nhà máy sản xuất vẫn phải chịu đòn đau nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tung các đòn áp thuế lẫn nhau.

Nhà phân tích Seung-Youn Oh thuộc trường Đại học Bryn Mawr ở Philadelphia cho biết, nhiều quốc gia Châu Á là nơi cung cấp linh kiện hay phụ tùng chính cho Trung Quốc. Những linh kiện này sẽ được lắp ráp lại để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh mà điểm đến cuối cùng là Mỹ. Do vậy những nước đó sẽ phải gián tiếp đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại. Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng nhân dân tệ cũng có thể khiến hàng hóa của Trung Quốc gia tăng sức cạnh tranh về giá thành so với hàng hóa cùng loại từ khu vực Đông Nam Á.

Ai là bên chịu thiệt?

Viễn cảnh ảm đạm nhiều khả năng sẽ xảy ra với những nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào trao đổi thương mại với nước ngoài và trung chuyển hàng hóa, chẳng hạn như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Là nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á, Hàn Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương trong cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung vì kinh tế của nước này phụ thuộc phần lớn vào ngoại thương. Bên cạnh đó, những rủi ro địa chính trị sẽ tiếp tục đè nặng lên “xứ kim chi”, khi Seoul một mặt vẫn phải dựa vào “chiếc ô an ninh” của Washington nhưng mặt khác lại phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc

Hàn Quốc là nhà cung cấp chất bán dẫn chính cho Trung Quốc, được dùng để sản xuất điện thoại thông minh hay các thiết bị điện tử khác, sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Quyết định đánh thuế mới của ông Trump sẽ làm gia tăng giá thành của các mặt hàng này, khiến việc xuất khẩu của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Tất yếu Trung Quốc sẽ phải giảm nhập khẩu nguyên vật liệu từ Hàn Quốc. Điều này sẽ là là cú giáng mạnh với kinh tế Hàn Quốc bởi kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đang chiếm tới 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.

Trong xu thế lo ngại chung, Hàn Quốc cũng đang tìm cách rút các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc, song giới chuyên gia nhận định, điều này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro: “Nếu Hàn Quốc muốn tìm các nhà máy rẻ hơn ở Việt Nam hay một quốc gia nào đó trong khối ASEAN, họ có thể thu lại lợi nhuận, thậm chí tăng trưởng nhiều hơn so với đặt cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng việc này mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và có những rủi ro tiềm ẩn”, Xu Xiao Chun, chuyên gia kinh tế của Moody’s cho biết.

Không riêng gì Hàn Quốc, Nhật Bản cũng phải chịu tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại. Một trong những điều khiến cho Nhật Bản lo ngại nhất là chiến lược đánh thuế đồng loạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạng lưới sản xuất toàn cầu của các công ty Nhật Bản, trong đó, ô tô là lĩnh vực có khả năng thiệt hại nặng nhất.

Tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Morgan Stanley cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu có thể bị suy thoái nghiêm trọng nếu Trung Quốc và Mỹ tiếp tục trả đũa lẫn nhau. Mỹ và Trung Quốc đều ghi nhận doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp thấp hơn trong tháng 4/2019, trước thời điểm các mức thuế mới được công bố. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, nếu Mỹ áp thuế với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, như Tổng thống Trump nhiều lần đe dọa thì sẽ khiến GDP của Trung Quốc giảm 1,6%. Ngoài ra một cuộc chiến thương mại toàn diện, kéo dài, có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 0,8% trong năm 2020./.