Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên (nay là TP. Điện Biên), tỉnh Lai Châu giữa quân đội Pháp và Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945- 1954 của Việt Nam

Trên phương diện quốc tế, trận đánh này có một ý nghĩa rất lớn: lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng bằng quân sự quân đội của một cường quốc châu Âu.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một thắng lợi có tầm vóc thời đại của quân đội và nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, chấm dứt tham vọng chiếm đóng lâu dài của quân đội Pháp ở Đông Dương và cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Trận Điện Biên Phủ đã đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương, các khu vực thuộc địa ở Châu Phi và buộc Pháp rút ra khỏi Đông Dương. Đến năm 1967, Pháp đã phải trao trả quyền độc lập cho tất cả các nước là thuộc địa của Pháp.

Và trận chiến trong lòng chảo ở vùng rừng núi Tây Bắc Việt Nam giữa quân đội Pháp thiện chiến với lực lượng quân đội Việt Nam non trẻ trong vòng 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ máu trộn bùn non…” để làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” đã là cảm hứng cho nhiều nhà làm phim tài liệu nước ngoài.

Gần như chỉ sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 không lâu, nhà làm phim Nga Roman Carmen đã cho ra mắt phim thời sự- tài liệu Vietnam hay "Việt Nam trên đường thắng lợi”. Roman Carmen đã ghi lại những hình ảnh đầy khó khăn, thử thách của quân đội Việt Nam, với những người lính chân không giày, vũ khí chủ yếu là những khẩu súng thu được của địch.

chien dich dien bien phu trong phim tai lieu nuoc ngoai
Phim "Việt Nam trên đường thắng lợi".

Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Một bên là quân đội chuyên nghiệp của một đế quốc già dặn được trang bị tất cả những vũ khí hiện đại như: tàu bay, tàu chiến, pháo binh, súng máy. Bên phía chúng tôi chỉ là dân thường được trang bị vũ khí đơn giản, nhưng họ quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc”- Trích đối thoại trong phim.

Có lẽ ai đã từng xem phim sẽ không thể nào quên được cảnh quay hình ảnh những người chiến sĩ anh dũng của Việt Nam đang ra sức xây dựng chiến hào ngay bên cạnh những trái phá liên tiếp nổ tung, bụi khói mờ mịt, liên tưởng đến những mô tả được Georges Boudarel ghi lại trong cuốn sách Võ Nguyên Giáp: “Những đường hào tiến từ trên núi cao bao quanh xuống chia cắt lòng chảo Mường Thanh tạo nên những vùng song song đều đặn như những luống cày.

chien dich dien bien phu trong phim tai lieu nuoc ngoai
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đi vào nhiều bộ phim tài liệu nước ngoài.

Những hầm hào này tỏa ra rồi chụm lại tạo nên vòng vây nghiệt ngã. Lính Pháp ra sức chống trả nhưng vô ích. Họ bịt kín các đường hào ban ngày thì đêm bộ đội Việt Minh lại đào. Cứ thế trận địa chiến hào của bộ đội Việt Minh giống như cái dây thòng lọng mỗi ngày lại thít chặt vào cổ quân Pháp đồn trú ở Điện Biên Phủ”.

Nhiều năm sau, ám ảnh về trận chiến Điện Biên Phủ vẫn phủ bóng lên các nhà làm phim nước ngoài. Không liên tục nhưng cứ đến những mốc kỷ niệm trận chiến này là các nhà làm phim lại quay trở lại với Điện Biên Phủ.

Một phim về Điện Biên Phủ gây được tiếng vang lớn trong giới điện ảnh toàn cầu là bộ phim tài liệu nghệ thuật của đạo diễn Pierre Shoendoerffer, mang tên: "Điện Biên Phủ, năm 1992". Tác phẩm nghệ thuật này được Shoendoerffer- một cựu chiến binh Pháp quay trở lại Việt Nam làm năm 1992.

Là người trực tiếp tham chiến phía bên kia chiến tuyến, ông đã đem đến cho độc giả một cái nhìn đầy đủ hơn về thực trạng quân đội Pháp trong 56 ngày đêm chiến đấu trên chiến trường Điện Biên.

Trong phim Shoendoerffer tập trung khắc họa hình ảnh những viên chỉ huy Pháp gào thét, chửi bới, và sự bất ổn trong hàng ngũ lính Pháp. Quân lính Pháp không ra trận vì một mục tiêu cao cả, chính nghĩa và đẹp đẽ nào, nên họ mất điểm tựa, họ nhận ra sự phi nghĩa của cuộc chiến, và họ không muốn tham gia.

Hình ảnh hoang mang cực độ của hàng ngũ quân Pháp lúc bấy giờ đã cho thấy một sự phản chiếu ngược, một cái nhìn sâu, phơi bày những suy nghĩ và tâm trạng của riêng từng con người.

Phim "La Bataille de Dien Bien Phu- Chiến dịch Điện Biên Phủ"của nhà làm phim người Pháp Jean Christophe Grelet, phim được VTV mua bản quyền phát sóng năm 2009 nhân dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ, Discovery Channel, kênh truyền hình khám phá nổi tiếng thế giới thực hiện bộ phim dài 1 giờ "Secret Mission at Dien Bien Phu- Nhiệm vụ đặc biệt tại Điện Biên Phủ", đạo diễn người Mỹ Doulags Paynter, Hãng phim Win River LLC, được thực hiện dưới cái nhìn của những người lính Mỹ có mặt trong trận chiến, đề cập đến số phận 2 viên phi công McGovern có biệt danh "động đất" và Wallace Buford (vốn được coi là những lính Mỹ đầu tiên tử nạn tại chiến trường Việt Nam).

Phim sử dụng khá nhiều đoạn phim tư liệu quý, tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ, một trong những trận đánh quan trọng nhất của thế kỷ 20, kết thúc hoàn toàn "vai trò" của Pháp tại Việt Nam và Đông Dương.

Cũng năm 2004 nhà làm phim Thái Lan, ông Sukprida Banomyong, con trai của cựu Thủ tướng Thái Lan Pridi Banomyong sang Việt Nam để làm một bộ phim "Việt Nam- Điện Biên Phủ". Phim được phát hình liên tục trong một tuần ở Thái Lan vào đầu tháng 5/2004, đúng thời điểm cao trào của dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” ở Việt Nam.

Kỷ niệm 53 năm Điện Biên Phủ, truyền hình Pháp France 3 đã chiếu phim tài liệu lịch sử nhan đề "Điện Biên Phủ", 1 giờ 5 phút do đạo diễn Patrick Jeudy được thực hiện từ năm 2004 (50 năm Điện Biên Phủ). Trong phim, giới thiệu bản báo cáo bí mật, những điều ít được công bố về sự tham chiến của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ, về việc đưa ra kế hoạch, quyết định xây dựng tập đoàn cứ điểm tại Điện Biên Phủ, tham vọng là cứ điểm hùng mạnh nhất ở Đông Dương khi đó.

Xen vào là hồi ức của những cựu chiến binh Pháp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ kể lại những giây phút không thể nào quên trong cuộc đời họ, khi bị quân đội nhân dân Việt Nam đánh tan trong 56 ngày đêm. Phim kết thúc với hình ảnh toàn bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, đứng đầu là tướng De Castries đã phải chấp nhận đầu hàng.

Một phim khá nổi tiếng khác là "The Battle between a Tiger and an Elephanth- Cuộc chiến giữa Hổ và Voi" của đạo diễn người Pháp Daniel Roussel (phóng viên báo L’Humanite- Nhân đạo tại Việt Nam năm 1980- 1986).

Trong phim Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ ra sai lầm lớn của Pháp thời điểm đó, là sự tự tin thái quá về lực lượng và vũ khí tối tân của quân đội Pháp. Họ không biết rằng: “Một dân tộc có thể hy sinh tất cả để có được độc lập”. Phim khép lại bằng những thước phim trực tiếp ghi lại lời nhắn nhủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về khát vọng hòa bình thế giới: “Tất cả mọi người cần đồng tâm hiệp lực chiến đấu cho hòa bình, cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, cho quyền được sống, quyền được hưởng hạnh phúc và cho chủ quyền thực sự của mỗi quốc gia. Hãy chấm dứt những mối hiểm họa rình rập trên đầu từng dân tộc”.

Trong bộ film truyền hình nổi tiếng của Mỹ: "Vietnam War- The Ten thousand Day War- Chiến tranh Việt Nam- Cuộc chiến 10.000 ngày", năm 2010 đã dành nguyên tập mở đầu về Điện Biên Phủ.

Nhan đề "Dien Bien Phu- The Legacy (Điện Biên Phủ- Sự kế thừa)", các nhà làm phim đã vạch rõ sự thất bại rõ ràng của thực dân Pháp tại Điện Biên cũng như sự can thiệp trắng trợn của đế quốc Mỹ tại Việt Nam bằng cách viện trợ vũ khí và hậu cần cho thực dân Pháp.

Điều đó có nghĩa, chính phủ Mỹ đã mặc nhiên thế chân thực dân Pháp tại Việt Nam, nhưng với hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chọn làm áp-phích cho tập I, các nhà làm phim Mỹ đã ngầm báo trước sự kế thừa "di sản thất bại" của đế quốc Mỹ tại Việt Nam.

Vẫn còn nhiều nhà làm phim nước ngoài cảm hứng với chiến tranh Việt Nam nói chung, chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng. Và dù những bộ phim được làm trong các thời điểm khác nhau, có những cái nhìn khác nhau từ nhiều phía, nhưng đã dần dần hoàn thiện một bức tranh về chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế./.