Hiệu quả từ sự chỉ đạo tích cực

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; kiểm soát xuất, nhập cảnh đối với người, phương tiện tại các cửa khẩu đường bộ, cảng biển trên toàn quốc. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã tích cực chỉ đạo nghiên cứu, thực hiện nhiều mô hình, cách làm mới nhằm cải tiến về quy trình công tác CCHC. Hiệu quả nổi bật là mô hình “Thủ tục Biên phòng điện tử cảng biển” và mô hình “Một cửa quốc gia, một điểm dừng”. Nhờ đó, đã tạo ra nhiều đổi mới về quy trình công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển, đổi mới tác phong làm việc, giảm các loại giấy tờ, thủ tục rườm rà, bảo đảm thống nhất, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính.

chi dao sat sao huong den su tinh gon
Nhân viên kiểm soát hành chính Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) thực hiện nhiệm vụ kiểm tra xuất nhập cảnh.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP cho biết: "Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là tại cảng biển, nơi có lưu lượng hàng hóa lưu thông lớn, Bộ tư lệnh BĐBP đã tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển tại 7 khu vực cửa khẩu cảng biển, gồm: Hòn Gai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu. Bắt đầu từ ngày 16-5-2014, BĐBP chính thức triển khai thực hiện khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin, hoàn thành thủ tục biên phòng qua cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử cảng biển cho tàu, thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng tại 7 khu vực cửa khẩu cảng biển trên. Việc áp dụng thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển trên cổng thông tin đã giúp giảm thời gian làm thủ tục cho một chuyến tàu từ 3 giờ được rút xuống còn khoảng 30 phút; các loại giấy tờ mà người làm thủ tục phải nộp cho cán bộ biên phòng tại các cửa khẩu cảng đã giảm từ 9 loại giấy tờ xuống còn 5 loại; trung bình mỗi ngày lực lượng biên phòng có thể hoàn thành thủ tục cho hơn 50 tàu ra, vào cảng.

Ghi nhận về công tác CCHC ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, chúng tôi thấy, nhìn chung trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ đã quán triệt, triển khai sâu rộng, toàn diện công tác CCHC cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Nhờ đó đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hoạt động của cán bộ, nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong toàn quân. Các đơn vị cũng đã làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, phổ biến kịp thời các thủ tục hành chính; thường xuyên kiểm tra công tác CCHC; công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng đã tiến hành hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị cấp dưới và dự án trên các lĩnh vực quân sự, quốc phòng, hậu cần, tài chính. Ban Pháp chế của các quân khu, quân chủng, quân đoàn, bộ tư lệnh đã tổ chức thẩm định hàng chục nghìn văn bản hành chính và chỉ đạo ngành văn thư-bảo mật kiểm tra 100% văn bản đi, văn bản đến. Công tác tổ chức hội nghị ở các đơn vị được thực hiện theo hướng lồng ghép nhiều nội dung, ưu tiên áp dụng hình thức hội nghị trực tuyến; giảm bớt các cuộc họp không cần thiết, giảm bớt công văn, giấy tờ hành chính; nâng cao chất lượng các hội nghị, cuộc họp giao ban và chất lượng soạn thảo các loại văn bản hành chính, văn bản quy phạm trong nội bộ. Các văn bản ban hành bảo đảm chặt chẽ về nội dung, đúng thẩm quyền, hình thức thể hiện và cách thức trình bày văn bản ứng dụng tốt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia… Một số đơn vị tiêu biểu có thành tích tốt trong thực hiện CCHC là: Bộ tư lệnh BĐBP, Quân khu 3, Quân khu 7, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân…

Đề cao tính chủ động, phân định rõ trách nhiệm

Thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ về công tác CCHC, vừa qua, Bộ Quốc phòng đã tiến hành xây dựng bộ Quy chế làm việc và Đề án “CCHC của Bộ Quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Quy chế làm việc mới của Bộ Quốc phòng gồm 9 chương, 40 điều, trong đó quy định nguyên tắc làm việc; chế độ trách nhiệm; quan hệ công tác; cách thức, quy trình giải quyết công việc về lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng. Đề án “CCHC của Bộ Quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” được triển khai nhằm thực hiện 6 nhiệm vụ CCHC theo Quy định của Chính phủ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trọng tâm vào các nhiệm vụ còn yếu, những nhiệm vụ cần tập trung đột phá. Mục tiêu của đề án là nhằm xây dựng nền hành chính công của Bộ Quốc phòng dân chủ, trong sạch vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, hoạt động có hiệu quả, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.

Tại hội nghị quán triệt quy chế làm việc của Bộ Quốc phòng và triển khai Đề án “CCHC của Bộ Quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” được tổ chức mới đây, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc bộ quy chế làm việc mới của Bộ Quốc phòng. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị kịp thời nghiên cứu, ban hành quy chế cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình, chậm nhất đến ngày 15-5-2017 phải ban hành xong quy chế và gửi về bộ để theo dõi. Văn phòng Quân ủy Trung ương-Văn phòng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy chế, tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng việc xây dựng quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị trực thuộc… Đối với Đề án “CCHC của Bộ Quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Thượng tướng Lê Chiêm yêu cầu, các cơ quan chủ trì các tiểu đề án nêu cao tính chủ động và tinh thần trách nhiệm trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để xây dựng kế hoạch hướng dẫn, triển khai nhiệm vụ được giao, bảo đảm hiệu quả, kịp thời.

Thượng tướng Lê Chiêm cho rằng, công tác CCHC là một trong những công việc khó khăn, phức tạp, có tính nhạy cảm vì phải đụng chạm tới quyền lợi của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội. Vì vậy, quá trình tổ chức thực hiện đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị cần phải có quyết tâm cao, cần đặt công việc, nhiệm vụ chung lên hàng đầu. Các đơn vị phải quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ theo đúng hệ thống quy chế của các cấp. Cùng với đó, khâu then chốt có ý nghĩa quyết định đó là phải chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, làm hạt nhân lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.