Chiều ngày 7/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo về và phát triển rừng (sửa đổi). Phát biểu tại đoàn TP Hà Nội, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, trong những ngày nắng vừa qua rừng Sóc Sơn bị cháy dữ dội, khó kiểm soát là bài học đau xót cho việc phát triển rừng, giữ rừng.

Đại biểu Khánh cho rằng, nếu rừng bị mất không chỉ ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống mà cả du khách cũng không đến với đất nước chúng ta. “Rừng của chúng ta không còn nhiều nên phải quy định chặt chẽ, để tránh việc khai thác gỗ bừa bãi”, đại biểu Khánh nói.

chay rung chung ta dap lua bang canh cay

Hiện trường vụ cháy rừng lớn nhất Hà Nội (Ảnh: Toàn Vũ)

Theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn TP Hà Nội) rừng là lá phổi lớn, bất kỳ thời đại nào cũng cần phải giữ. Tuy nhiên, khi thấy hình ảnh lâm tặc tàn phá rừng những năm gần đây đại biểu cảm thấy xót xa.

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho rằng, không chỉ bảo vệ rừng đặc dụng mà ngay cả cây xanh trong đô thị cũng phải giữ gìn. “Thành phố chúng ta (Hà Nội) có hàng triệu cây đang phát triển, nếu như các tỉnh thành khác cũng trồng được như vậy thì rất tốt. Như mấy hôm nay chúng ta thấy nhiệt độ ngoài trời chênh lệnh với dưới bóng cây thế nào. Như thế mới cho thấy tác dụng lớn của cây xanh cả trong đô thị lẫn trên rừng”, đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho hay.

Phát biểu tại tổ, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng nói rõ giáo lý của đạo phật là nghiêm cấm việc chặt cây. “Chặt cây cũng như chuyện sát sinh. Cây cối cho chúng ta sự sống, che mát cho chúng ta nên phải nghiêm cấm việc chặt cây”, đại biểu Thích Bảo Nghiêm nói thêm.

Đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn TP Hà Nội) nhận thấy các biện pháp ngăn chặn phá rừng chưa đáp ứng được yêu cầu, vì vậy rừng ngày càng giảm đi. Do vậy, theo đại biểu, trong luật cần xác định rõ trách nhiệm bảo vệ rừng là của các cấp ngành và ngay cả người dân.

Từ vụ cháy rừng ở huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) vừa qua, đại biểu Nguyễn Chiến cho rằng, công tác bảo vệ, cứu hộ rừng cũng đang gặp nhiều khó khăn. “Mỗi khi cháy rừng chúng ta tiếp cận đám cháy để dập lửa rất khó khăn. Như ở Sóc Sơn vừa rồi lực lượng chức năng mới chỉ tiếp cận được ở bên ngoài và phải lấy cành cây để dập lửa”, đại biểu đoàn TP Hà Nội phản ánh những bất cập trong việc bảo vệ rừng.

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) việc bảo vệ, phát triển rừng được lãnh đạo các cấp rất chú trọng. Tuy nhiên, ở một số địa bàn như Sơn Trà, Cát Bà… vẫn có những hiện tượng được dư luận đặc biệt quan tâm trong việc quy hoạch rừng.

Từ những tích trên, đại biểu Thường cho rằng, nhận thức bảo vệ rừng ở mỗi cấp ngành đang lệch nhau. Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Phi Thường mong muốn trong Luật Bảo vệ phát triển rừng có những điều khoản giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) việc bảo vệ và phát triển rừng cần tiếp cận toàn diện hơn trong bối cảnh toàn ngành lâm nghiệp hiện nay. Cho nên cần sửa tên luật này thành Luật lâm nghiệp để bao quát hơn đối tượng phạm vi phát triển và bảo vệ rừng.

“Qua tiếp xúc cử tri nhiều người nói Luật về ngành lâm nghiệp để có tính toàn diện mà bảo vệ phát triển rừng nằm trong lâm nghiệp từ kinh doanh chế biến lâm sản làm rõ chính sách nguồn lực đất đai và quản lý nhà nước trong lĩnh vực này”, đại biểu Sơn cho hay.

Theo đại biểu Sơn, cần phân loại rừng bảo vệ; rừng cấm (trong đó có rừng đặc dụng và phòng hộ); rừng sản xuất mang lại giá trị kinh tế để có chính sách hỗ trợ khác nhau. Ví dụ vùng biên giới là khó khăn nhất thì rừng biên giới nên có đầu tư hỗ trợ kiểu khác.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa (đoàn Bắc Giang) cho rằng, dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng quy định như vậy vẫn còn chung chung. Do đó cần quy định cụ thể chu kỳ trồng rừng, đồng thời có cơ chế chính sách về tín dụng phù hợp.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa còn cho rằng, cần phải phân loại rõ rừng: rừng quốc gia, rừng phòng hộ. “Nếu có những khu rừng có gỗ quý cả trăm năm thì chính sách nhà nước như thế nào? Tôi thấy, rõ ràng ta có cơ chế chính sách dài hơn, có cơ chế chính sách cho tín dụng phù hợp”, bà Hòa bày tỏ quan điểm.