Ngày 1/5, phương Tây chính thức có phản ứng trước cáo buộc của Israel cho rằng, Iran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Những nước này cho rằng, các thông tin mà phía Israel cho là do cơ quan tình báo nước này thu thập, không hề gây hoài nghi về việc Iran có tuân thủ văn kiện ký năm 2015 hay không.

chau au ung ho thoa thuan hat nhan iran truoc cao buoc tu israel
Cao ủy phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini. Ảnh: Daily Times.

Những cáo buộc của Israel đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng minh chính của nước này đã ra tối hậu thư cho các đồng minh châu Âu khác tới ngày 12/5 phải tìm được một văn kiện mới, có thể sửa chữa “những thiếu sót kinh khủng” của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi văn kiện này.

Tuy nhiên, càng gần đến thời hạn chót này, cáo buộc do chính Thủ tướng Israel Netanyahu công bố lại có vẻ như không hề làm các nhà lãnh đạo châu Âu thay đổi lập trường.

Trong khi Tổng thống Trump cho rằng, điều này cho thấy Mỹ hoàn toàn có lý khi muốn sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran, thì Cao ủy phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini lại gián tiếp bác bỏ với tuyên bố, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) là cơ quan quốc tế duy nhất phụ trách giám sát cam kết hạt nhân của Iran. Theo bà Mogherini, kể từ khi thỏa thuận được ký kết, IAEA đã đưa ra 10 báo cáo và cả 10 đều cho thấy Iran tuân thủ đầy đủ cam kết.

“IAEA là tổ chức quốc tế khách quan duy nhất chịu trách nhiệm giám sát các cam kết hạt nhân của Iran. Chính vì thế, những thông tin mà Thủ tướng Israel đưa ra không hề gây hoài nghi về việc Iran có tuân thủ văn kiện ký năm 2015 hay không”, bà Mogherini nhấn mạnh.

Trước đó, tối 30/4, Thủ tướng Israel Netanyahu thông báo đã cung cấp những thông tin cần thiết cho IAEA và các bên có liên quan để cho thấy, từ năm 1999 đến 2003, Iran đã phát triển một dự án bí mật chế tạo bom hạt nhân.

IAEA xác nhận và khẳng định sẽ xem xét mọi thông tin có được. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, IAEA đã công bố lại kết luận của một trong những báo cáo năm 2015, trong đó khẳng định không có một dấu hiệu “đáng tin cậy nào” cho thấy những hoạt động của Iran có liên quan đến việc phát triển một thiết bị nổ hạt nhân sau năm 2009, hoàn toàn trái ngược với cáo buộc của Israel.

Bộ Ngoại giao Pháp thì cho rằng, động thái của Israel đã tái khẳng định tầm quan trọng của thỏa thuận hạt nhân, phần nào xác nhận bản chất phi dân sự của chương trình hạt nhân Iran.

Cũng với quan điểm này, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng, cáo buộc của Israel đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải duy trì thỏa thuận, vốn không chỉ dựa trên sự tin tưởng, mà còn dựa trên sự kiểm chứng.

Cần phải thấy rằng, Israel, một quốc gia đối thủ và luôn bị ám ảnh về mối đe dọa hạt nhân Iran, đã nhiều lần khẳng định, nước này sẽ là mục tiêu đầu tiên nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và việc hủy diệt Nhà nước Do thái nằm trong kế hoạch từ xưa tới nay của Iran.

Tuy nhiên, động thái của Israel những ngày qua mặt khác lại cho thấy sự bối rối của nước này trong xử lý mối quan hệ với Iran, vốn bị nước này coi là “kẻ thù không đội trời chung”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 1/5, Thủ tướng Israel dù bảo vệ những luận điểm của mình khi khẳng định, không ai nắm thông tin tình báo về Iran tốt hơn Israel song mặt khác lại tỏ ra khá dè dặt khi tuyên bố, không ai tìm cách đối đầu vũ trang với Iran.

Cũng giống như nhiều các cựu quan chức khác trong chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, từng tham gia đàm phán thỏa thuận năm 2015 với Iran, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel Dan Shapiro cho rằng, nội dung của những cáo buộc không có gì mới.

Tổng thống Donald Trump đã có quyết định của riêng mình và cáo buộc hôm 30/4 của Israel có thể xem như là để giúp chính quyền Mỹ củng cố tính đáng tin cậy của những bước đi có thể trong tương lai.

Quan điểm này cũng được ông Ronen Bergman, một chuyên gia phân tích tình báo và quân sự Israel chia sẻ: “Tôi cho rằng, những tuyên bố của Thủ tướng Israel và thời điểm của nó không phải là nhằm gây áp lực với Tổng thống Donald Trump, mà để hỗ trợ quyết định của người đứng đầu nước Mỹ.

Dù cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã nói rằng Tổng thống vẫn chưa đưa ra quyết định, nhưng nguồn tin mà tôi có được lại cho thấy quyết định đã được đưa ra và Israel đang cố gắng ủng hộ quyết định đó”.

Còn nhật báo Yediot Aharonot của Israel nhận định, tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu chỉ cho thấy các nhà khoa học Iran không bị biến thành những “đứa trẻ khờ khạo” sau năm 2015. Tờ báo thậm chí còn ví những tài liệu này như một “đĩa mì ống được hâm nóng lại nhằm đánh bóng hình ảnh của Thủ tướng như người bảo vệ an ninh của Israel”./.