chau au da co 52400 ca mac benh 2297 ca tu vong vi covid

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 2/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/3, nhiều nước châu Âu đã triển khai các biện pháp nghiêm ngặt trong bối cảnh số ca tử vong và mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng mạnh.

Số người mắc tăng nhanh

Tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại châu Âu tính đến ngày 15/3 là 2.297 ca; tổng số ca được xác nhận mắc bệnh là 52.400 ca.

Tại quốc gia được coi là tâm dịch của châu Âu, tính đến 18h ngày 15/3 theo giờ địa phương (tức 0h ngày 16/3 giờ Hà Nội), Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy công bố nước này ghi nhận thêm 3.590 ca mới so với ngày 14/3, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 24.747 trường hợp. Số ca tử vong là 1.809 trường hợp (tăng 368 ca), số ca hồi phục 2.335 (tăng 369 ca).

Vùng tâm dịch Lombardi ghi nhận 1.587 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm của vùng này lên 13.272 trường hợp và số ca tử vong là 1.218 (tăng 252 ca).

Tại Tây Ban Nha - quốc gia hiện chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai bởi dịch COVID-19 ở châu Âu, sau Italy, giới chức nước này cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua tại đây đã tăng hơn 30%, khoảng 2.000 ca lên 7.753 trường hợp, trong khi số ca tử vong đã tăng hơn 100 trường hợp lên 228 người.

Cùng ngày, Hà Lan đã xác nhận thêm 8 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2. Theo Viện Y tế Công cộng Quốc gia Hà Lan (RIVM), số ca mắc COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 176 người lên 1.135 người.

Trong khi đó, nhà chức trách y tế Anh thông báo, trong 24h qua, số người nước này tử vong do virus SAR-CoV-2 đã tăng thêm 21 người, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 35 người, trong khi số người nhiễm tăng 20% lên 1.372 người.

Tại Thụy Sĩ, trong vòng 24 giờ ghi nhận thêm gần 1.000 ca nhiễm mới - mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào ngày 25/2. Theo đó, tổng số ca nhiễm tại nước này là lên 2.200 ca.

Đóng cửa biên giới, trường học, quyết liệt cách ly

Trước tình hình trên, nhiều nước châu Âu đã tiến hành các biện pháp quyết liệt như cách ly, đóng cửa biên giới, trường học và nhà hàng, cũng như cấm tụ tập đông người để chặn đà lây lan của COVID-19.

Nhằm đảm bảo nguồn cung cấp riêng của khối cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh hạn chế đối với việc xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế.

Các hạn chế được áp dụng với một loạt các trang thiết bị như khẩu trang, kính, mặt nạ bảo hộ, tấm chắn mặt, bảo vệ mũi và quần áo bảo hộ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh các nước EU cần phải chia sẻ trang thiết bị với nhau, và các lệnh cấm xuất khẩu quốc gia, như Pháp và Đức, là rất phản tác dụng.

Phát biểu này được đưa ra sau khi Đức trở thành quốc gia EU mới nhất đóng cửa biên giới từ ngày 16/3 đối với người đến từ Pháp, Áo và Thụy Sĩ, trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer và thủ hiến 4 bang của Đức đã điện đàm và nhất trí đóng cửa biên giới với ba nước láng giềng phía Tây Nam bắt đầu từ 8h sáng 16/3 theo giờ Đức.

Theo đó, siết chặt kiểm soát vùng biên giới và đưa trả lại các trường hợp ra ngoài biên giới Đức. Tuy nhiên, vận chuyển hàng hóa vẫn đảm bảo lưu thông.

Hiện các trường học ở 16 bang của Đức đã đóng cửa, trong khi đa số các quán bar, nhà hàng, vũ trường và các cơ sở công đều đã bị đóng cửa.

Tối 15/3 (theo giờ địa phương), Thủ hiến bang Bayern, ông Marcus Söder cho biết sẽ ban bố tình trạng thảm họa ở bang miền Nam lớn nhất nước Đức.

Tình trạng thảm họa, trước mắt sẽ có hiệu lực trong vòng 14 ngày, cho phép nhà chức trách huy động và tập trung các cơ sở và máy móc y tế cho việc chữa trị bệnh nhân, kể cả sự tham gia của các bệnh viện quân y vào kế hoạch ứng phó với khủng hoảng.

Tuy nhiên, Thủ hiến Söder cho biết ông chưa tính tới kế hoạch phong tỏa khu vực ở Bayern, đồng thời kêu gọi người dân cân nhắc việc đi lại của mình.

Cũng trong ngày 15/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khẳng định chính phủ nước này ưu tiên đảm bảo an toàn sức khỏe cho các y, bác sĩ và các nhân viên y tế, những người đang đảm đương việc chăm sóc người dân trong tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19. Thủ tướng Conte nêu rõ chính phủ đang nỗ lực liên hệ với các đối tác để có thể đặt mua và nhận được các thiết bị bảo vệ y tế trong thời gian sớm nhất.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho biết Pháp và Đức đã chính thức gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang y tế, trang thiết bị chống lây nhiễm. Trong khi đó, Ủy viên Thị trường nội bộ EU Thierry Breton thông báo Chính phủ Đức tuyên bố sẽ gửi 1 triệu khẩu trang y tế tới Italy để hỗ trợ nước này ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Chính phủ Hà Lan ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học, quán bar, nhà hàng, và một số địa điểm giải trí để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-Cov-2.

Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan Arie Slob cho biết từ ngày 16/3-6/4, các trường phổ thông và nhà trẻ sẽ đóng cửa, nhưng những em nhỏ có bố mẹ làm những công việc quan trọng sẽ được trông giữ ở trường.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại nước này để ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng. Theo đó từ ngày 16/3, Serbia sẽ đóng cửa các trường học, nhà trẻ, trường đại học, các trung tâm thể thao... Những người trên 65 tuổi được yêu cầu ở trong nhà. Các quán cafe và bar cũng bị hạn chế giờ mở cửa.

Bên cạnh đó, quân đội cũng được triển khai để bảo vệ các "địa điểm quan trọng," như những bệnh viện đang điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tổng thống Vucic cũng cho hay chính phủ sẽ sớm nhóm họp để xác định các biện pháp hạn chế mới, khẳng định quyết định mới được đưa ra nhằm bảo vệ mạng sống của nhân dân, đặc biệt là những người lớn tuổi.

Chính phủ Áo tuyên bố sẽ áp đặt hạn chế đi lại tại những nơi công cộng, đồng thời cấm tụ tập từ 5 người trở lên nhằm ngăn virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây lan tại quốc gia này.

Lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 16/3. Người phát ngôn của Chính phủ Áo nêu rõ các nhà hàng sẽ được yêu cầu đóng cửa từ ngày 17/3, cũng là thời điểm lệnh hạn chế nhập cảnh có hiệu lực.

Ngoài ra, Áo cũng mở rộng danh sách hạn chế nhập cảnh với việc bổ sung thêm Anh, Hà Lan, Nga và Ukraine vào danh sách. Người tới từ những quốc gia này chỉ được nhập cảnh Áo sau khi đã tự cách ly 2 tuần hoặc có giấy chứng nhận sức khỏe.

Chính phủ Pháp thông báo sẽ giảm dần các chuyến vận tải dài bằng bằng tàu, xe buýt và máy bay trong những ngày tới để hạn chế sự lây lan của virus. Bộ trưởng Sinh thái Pháp Elisabeth Borne khẳng định sẽ giảm một nửa các chuyến tàu đường dài, và chỉ duy trì một số chuyến bay quốc tế.

Thứ trưởng Giao thông Pháp Jean-Baptiste Djebbari cho biết điều này đồng nghĩa chỉ có một số chuyến bay tới Mỹ, châu Phi, một số chuyến bay nội địa và các chuyến bay tới vùng lãnh thổ nước ngoài của Pháp được duy trì.

Các sân bay sẽ vẫn mở cửa, nhưng một số nhà ga sẽ đóng, trong đó có một nhà ga tại sân bay Orly vào ngày 18/3 cùng 2 nhà ga tại Charles De Gaulle vào cuối tuần tới.

Tại Bulgaria, trong bối cảnh đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, Thủ tướng nước này Boyko Borissov cho biết sẽ nâng lương cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác chữa trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 thêm 1.000 lev/tháng (tương đương 566 USD/tháng).

chau au da co 52400 ca mac benh 2297 ca tu vong vi covid

Người dân Đức đeo khẩu trang phòng chống COVID-19. (Nguồn: teletrader)

Trong khi đó, Thông tấn xã Séc dẫn lời Thủ tướng Andrej Babis cho biết Chính phủ nước này đã quyết định áp đặt hạn chế đi lại đối với người dân kể từ nửa đêm 15/3 đến 6 giờ ngày 24/3.

Cộng hòa Séc là quốc gia châu Âu thứ tư, sau Italy, Tây Ban Nha và Áo, thực hiện biện pháp này. Việc hạn chế đi lại trong nước không áp dụng cho việc đi công tác và các cơ sở chăm sóc sức khỏe, gặp gỡ gia đình hoặc người thân nếu cần và cho các nhu cầu cơ bản cho sinh hoạt hàng ngày (như thực phẩm, thuốc và thiết bị y tế, vệ sinh, mỹ phẩm và các mặt hàng dược phẩm khác, thực phẩm và vật tư khác, dịch vụ ngân hàng và bưu chính).

Theo ông Babis, hiện Séc có 231 trường hợp mắc COVID-19 và Chính phủ nước này đã áp dụng kiểm dịch trên toàn quốc đối với COVID-19 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Theo lệnh kiểm dịch, bất cứ ai sinh sống tại Cộng hòa Séc sẽ bị cấm đi ra ngoài nơi cư trú của họ ngoại trừ trong một số trường hợp như đi làm và trở về nhà cũng như thiết để mua thực phẩm và đồ dùng.

Các cá nhân cũng được yêu cầu hạn chế tiếp xúc với người khác ở mức độ thấp nhất có thể. Bất cứ ai khi tiếp xúc với người khác phải duy trì khoảng cách ít nhất 2m và sử dụng các khoản thanh toán không dùng tiền mặt vì lý do vệ sinh.

Các biện pháp kiểm dịch cũng khuyến nghị người sử dụng lao động tạo điều kiện cho nhân viên của họ có thể làm việc tại nhà nếu có thể và hạn chế thực hiện công việc, trừ trong các tình huống cần thiết khẩn cấp. Các chủ cửa hàng phải tiến hành các biện pháp tăng cường đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là khử trùng.

Trước đó, Chính phủ Séc đã yêu cầu đóng cửa hầu hết các cửa hàng, nhà hàng và quán rượu kể từ ngày 14/3 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Quyết định có hiệu lực tới ngày 23/4. Những cửa hàng bán thực phẩm, đồ điện, thuốc và cây xăng sẽ vẫn hoạt động bình thương.

Séc cũng tuyên bố tạm thời cấm nhập cảnh với người nước ngoài, trong khi công dân nước này sẽ không được phép xuất cảnh từ ngày 16/3./.