Trong vòng vài giờ đồng hồ, Tây Ban Nha đã phải hứng chịu 2 vụ khủng bố đẫm máu khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và khoảng 130 người khác bị thương. Dấu hiệu ban đầu cho thấy, có bàn tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đứng sau những thảm kịch này.

chau au bao dong an ninh sau cac vu khung bo tai tay ban nha
Lực lượng an ninh Tây Ban Nha làm nhiệm vụ gần hiện trường vụ tấn công ở Barcelona hôm 17/8. Ảnh: AFP.

Các vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh thời gian gầy đây, những kẻ khủng bố liên tiếp tiến hành các vụ tấn công bằng xe tải nhằm vào những người đi bộ ở các nước châu Âu. Điều này đã làm gia tăng mối lo về bất ổn an ninh – vốn đang trong tình trạng mong manh tại “lục địa già”.

Theo cảnh sát, các vụ tấn công ở phố đi bộ Las Ramblas nổi tiếng của Barcelona đêm 17/8 và ở thị trấn Cambrils vài giờ sau đó đã được lên kế hoạch từ trước.

Không những vậy, hung thủ còn chuẩn bị trang thiết bị cần thiết để tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn. Truyền thông địa phương đưa tin, các nghi phạm đã có ý đồ đặt các bình ga trong xe ô tô để gây ra vụ nổ lớn.

Cho đến nay, cảnh sát đã bắt được 4 nghi can liên quan đến loạt vụ tấn công đẫm máu trên, trong đó một tên ở Alcanar và 3 tên ở Ripoll.

Trong thông báo đăng tải trên trang mạng Amaq, IS đã nhận gây ra các vụ tấn công nhằm vào Tây Ban Nha. IS cho hay, các “chiến binh” của tổ chức này đã thực hiện vụ đâm xe theo lời kêu gọi của IS để trả đũa những quốc gia tham gia liên minh quốc tế chống khủng bố ở Iraq và Syria.

Vụ việc mới xảy ra tại Tây Ban Nha một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp thiết về lỗ hổng an ninh tại Châu Âu cùng những nguy cơ từ các đối tượng cực đoan được các tổ chức kiểu IS huấn luyện thành phần tử khủng bố.

Cách thức dùng phương tiện giao thông mà kẻ tấn công khủng bố ở Barcelona áp dụng tương tự như vụ khủng bố tại thành phố Nice, Pháp hay tại chợ Noel ở Berlin, Đức hồi năm ngoái và mới đây nhất là vụ tấn công gần tòa nhà quốc hội Anh ở thủ đô London ngày 22/3.

Phát biểu với báo chí sau cuộc họp nội các về vấn đề an ninh hôm qua, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết, một trong những mối quan tâm chính của Châu Âu hiện nay là cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là IS.

Ông Rajoy nhấn mạnh: “Theo nghiên cứu trình bày tại cuộc họp Hội đồng Châu Âu gần đây nhất, thì vấn đề ưu tiên hiện nay của Châu Âu là chống khủng bố. Điều này được minh chứng sau các vụ tấn công tại Paris, Nice, London, Berlin cách đây không lâu. Trong bối cảnh đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phân loại thông tin tình báo và theo dõi cũng như trừng trị những kẻ phạm tội để tránh lặp lại một thảm kịch đau lòng như vụ tấn công tại Barcelona”.

Cùng ngày, Ủy ban Châu Âu đã lên án các vụ tấn công tại Tây Ban Nha, đồng thời cho biết những hành động “hèn nhát và không thể dung thứ” này là nhằm phá hoại cuộc sống của người dân Châu Âu.

Ủy viên chính sách khu vực của Liên minh Châu Âu Corina Cretu cho biết: “Một lần nữa, những người vô tội lại là nạn nhân của các hành động tấn công hèn nhát. Các phần tử khủng bố đang tìm cách phá hoại cuộc sống của chúng ta hết lần này đến lần khác".

Để ngăn chặn nguy cơ xảy ra vụ tấn công khủng bố tương tự trong tương lai, nhiều quốc gia Châu Âu ngay lập tức triển khai những biện pháp mạnh tay hơn.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb thông báo an ninh đã được thắt chặt tại biên giới Pháp - Tây Ban Nha trong bối cảnh một nghi can trong vụ khủng bố ở Barcelona vẫn đang lẩn trốn.

Trong khi đó, phát biểu sau cuộc họp của Uỷ ban Phân tích chiến lược chống khủng bố cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Italy Marco Minniti cho hay nước này sẽ tăng cường các biện pháp an ninh tại một số địa điểm nhạy cảm và những khu vực người dân thường tụ tập. Lực lượng an ninh Italy sẽ thực hiện các biện pháp kiểm tra đối với những xe ô tô cho thuê tự lái và bất cứ chiếc xe tải nào lưu thông ở khu vực trung tâm thủ đô.

Trên thực tế, châu Âu đã không còn được coi là mảnh đất bình yên từ sau loạt vụ khủng bố tại Pháp năm 2015 và loạt vụ đánh bom liều chết tại thủ đô Brussels của Bỉ hồi tháng 3/2016.

Châu Âu dường như đang trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết khi phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào bởi những hình thức và đối tượng ít ai ngờ tới.

Giới phân tích cho rằng, song song với những biện pháp chống khủng bố truyền thống như tiêu diệt các lực lượng khủng bố, điều tra nhằm ngăn chặn âm mưu khủng bố các quốc gia Châu Âu cần phải khắc phục những yếu kém trong chính sách an ninh và đập tan tư tưởng cực đoan đang có dấu hiệu xâm nhập vào một bộ phận người dân châu Âu thì mới có thể mang lại sự ổn định và an toàn cho lục địa già./.