Pháp, Đức và nhiều nước châu Âu hôm 18/2 bác bỏ lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu những nước này hồi hương công dân tham chiến cho IS tại Syria. Lập trường này đưa ra trong bối cảnh, các nước đồng minh châu Âu tới nay vẫn chưa chấp nhận việc chính quyền Mỹ quyết định rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này vào thời điểm hiện nay.

chau au bac bo loi keu goi cua my hoi huong cong dan tham chien cho is
Người Hồi giáo ở châu Âu. Ảnh: Politico.

Ước tính, số tay súng IS bị người Kurd giam giữ tại Syria hiện lên tới khoảng 800, cùng với khoảng 700 phụ nữ và 1.500 trẻ em là người thân tại các trại dành cho người tị nạn. Tuy nhiên, đây không phải là con số cuối cùng khi mỗi ngày vẫn có thêm hàng chục tù nhân khác, cùng với thân nhân được chuyển đến. Những tay súng thánh chiến này đến từ nhiều nước khác nhau.

Theo quy định, những tay súng thánh chiến có hộ chiếu của những nước thành viên Liên minh châu Âu có quyền đưa ra yêu cầu hỗ trợ lãnh sự để hồi hương bất chấp việc có thể bị đưa ra xét xử. Tuy nhiên, phần lớn các nước đều cho rằng, đối với riêng trường hợp ở miền Bắc Syria, họ không có quyền hành động, bởi đây là một khu vực “xám” về mặt pháp lý, tức là nơi phần tử bị giam giữ và chịu sự kiểm soát của các lực lượng phi nhà nước.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Pháp Nicole Belloubet, ở giai đoạn này, Pháp sẽ không chịu nhượng bộ trước bất kỳ sức ép nào và vẫn duy trì chính sách trước đây là cho cho phép hồi hương đối với từng trường hợp cụ thể.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thừa nhận, mọi chuyện rõ ràng không đơn giản như khẳng định của Mỹ. Bởi những người này chỉ có thể trở về, nếu Đức và những bên liên quan có thể đảm bảo họ sẽ bị bắt giữ ngay lập tức. Ngoại trưởng Hungary Peter Sjijjarto cũng chia sẻ quan điểm này: “Tôi nghĩ rằng, đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với chúng tôi trong những tháng tới. Chúng ta đã thành công trong khuôn khổ liên quân quốc tế chống IS. Hungary tự hào khi là thành viên của liên minh này, tham gia vào việc đánh bại IS. Và theo tôi, mục tiêu chính của chúng ta lúc này là không cho phép IS xâm nhập vào châu Âu.”

Chính phủ Anh thì phản đối mạnh mẽ lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump khi cho rằng, các tay súng IS nên được đưa ra xét xử tại nơi mà chúng phạm tội. Chính phủ Anh tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế khác để giải quyết vấn đề này.

Trên tổng số hơn 5.000 người châu Âu, phần lớn là người Anh, Pháp, Đức và Bỉ tham gia gia hàng ngũ IS tại Iraq và Syria, khoảng 1.500 đã trở về nước. Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump cảnh báo các đồng minh châu Âu nên tiếp nhận lại những phần tử này để đưa ra xét xử. Bởi theo ông, cái gọi là “vương quốc Hồi giáo” sắp sụp đổ, có khả năng lực lượng địa phương tại Syria sẽ buộc phải thả các phần tử thánh chiến này, và khi đó Mỹ không muốn chứng kiến các tay súng IS thâm nhập châu Âu. Trong khi đó, một quan chức cấp cao của khu tự trị người Kurd ở miền Bắc Syria cho rằng, những phần tử này “như một quả bom nổ chậm” và các quốc gia liên quan phải chịu trách nhiệm./.