Trao đổi với PV Dân trí,ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT cho biết, vừa qua thanh tra giáo dục đã thực hiện đổi mới hoạt động theo hướng chuyển từ thanh tra nặng về chuyên môn sang thanh tra quản lý, chuẩn hóa quy trình thanh tra mang đặc thù của ngành. Việc đổi mới này đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giúp các chủ thể thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Trước đây, thanh tra giáo dục làm nhiều việc nhưng chủ yếu là thanh tra toàn diện nhà trường và thanh tra hoạt động sư phạm của giáo viên một cách lần lượt, qua đó để xếp loại giáo viên.

Cách làm này có một số tác dụng tốt song không phù hợp Luật Thanh tra, nhiều nơi làm hình thức, có khi tác động ngược đối với sự chủ động, sáng tạo của nhà trường và của nhà giáo. Hoạt động thanh tra cũng chỉ tập trung trong khuôn viên các trường là chính, ít chú ý đến các hoạt động giáo dục diễn ra ngoài nhà trường.

chanh thanh tra bo gddt thanh tra khong vach ra de day

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng

Lĩnh vực giáo dục rất rộng lớn với nhiều mặt hoạt động, vậy công tác thanh tra đã thực hiện như thế nào để bám sát giải quyết từng vấn đề cụ thể thưa ông?

Quản lý giáo dục đang đổi mới mạnh mẽ theo hướng tăng cường phân cấp, tăng cường tự chủ cho cơ sở giáo dục và tính chủ động của giáo viên. Thanh tra giáo dục cần hướng vào việc giúp cơ sở giáo dục và các chủ thể liên quan thực hiện tự chủ đúng quy định của pháp luật. Thanh tra không can thiệp trực tiếp vào hoạt động chuyên môn của nhà trường và giáo viên.

Dưới góc độ quản lý thì mọi cơ sở giáo dục, mọi hoạt động giáo dục đều có thể nằm trong “tầm ngắm” của thanh tra. Tuy nhiên, mạng lưới cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học hiện có hàng vạn, bên cạnh đó là các chủ thể khác cũng có hoạt động liên quan đến giáo dục.

Vì vậy, thanh tra không thể và không cần phủ hết mọi nhà trường cũng như mọi hoạt động của nhà trường mà cần có trọng tâm, trọng điểm. Những quy định pháp luật, chủ trương, chính sách nào có thể có cách hiểu không thống nhất, những lĩnh vực nào dễ nẩy sinh sai sót cần được ưu tiên thanh tra. Cơ sở giáo dục nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần tập trung thanh tra.

Bên cạnh đó, việc thanh tra các cơ quan quản lý giáo dục cũng cần thực hiện. Qua thanh tra để phát hiện sơ hở trong cơ chế, chính sách , kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời; phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật. Kết luận thanh tra không chỉ nhằm tác động trực tiếp đến đối tượng thanh tra mà còn nhằm tác động vào cả hệ thống thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như công khai các sai phạm và biện pháp xử lý của cơ sở đã thanh tra để các cơ sở chưa thanh tra tự soi và tự điều chỉnh.

Thực tế vừa qua, Thanh tra Bộ, Sở GDĐT đã tập trung thanh tra một số vấn đề như: điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; việc thực hiện tự chủ của nhà trường; liên kết đào tạo; việc dạy thêm, học thêm, thu, chi của cơ sở giáo dục; thanh tra thi, tuyển sinh; thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng và thực hiện chính sách đối với nhà giáo ...

Qua thanh tra đã giúp các cơ sở giáo dục nhận ra việc làm đúng, việc làm chưa đúng để điều chỉnh theo quy định. Một số thiếu sót, sai phạm đã được xử lý nghiêm. Đồng thời, qua thanh tra cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều quy định. Từ đó, nề nếp, kỷ cương trong giáo dục từng bước được nâng lên. Cách làm này đang tiếp tục được thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả thanh tra trong điều kiện còn hạn chế về con người cũng như một số nguồn lực khác.

Theo phân cấp quản lý giáo dục thì hiện nay nhiều cơ quan có thẩm quyền thanh tra về giáo dục. Bên cạnh thanh tra Bộ GDĐT, Sở GDĐT thì Thanh tra các Bộ, Ngành, Thanh tra tỉnh, thanh tra huyện đều có thẩm quyền thanh tra hành chính đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc. Như vậy có quá nhiều áp lực đối với cơ sở không thưa ông?

Không. Giáo dục là lĩnh vực rộng lớn do nhiều bộ, ngành, địa phương cùng tham gia quản lý. Chính phủ đã có nghị định quy định về phân cấp quản lý giáo dục. Nghị định số 42/2013/NĐ-CP về thanh tra giáo dục đã quy định rất rõ về thẩm quyền thanh tra giáo dục.

Bộ GDĐT có chức năng quản lý nhà nước về thanh tra trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời thực hiện thanh tra hành chính đối với các tổ chức, cá nhân trực thuộc; thanh tra chuyên ngành về giáo dục trong toàn quốc. Các bộ, ngành quản lý cơ sở giáo dục và các địa phương có trách nhiệm thanh tra hành chính đối với cơ sở giáo dục trực thuộc.

Khi xây dựng kế hoạch thanh tra và tiến hành thanh tra, các bộ, ngành địa phương phối hợp với cơ quan quản lý giáo dục để bảo đảm thanh tra có chất lượng, tránh chồng chéo. Khi kết thúc thanh tra sẽ phối hợp để theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra. Như vậy sẽ hạn chế tối đa việc cơ sở giáo dục phải chịu nhiều cuộc thanh tra trong cùng một thời điểm hoặc một nội dung lại có nhiều đoàn thanh tra thực hiện đối với một cơ sở.

Thưa ông, trong công tác thanh gia giáo dục năm 2017 nhấn mạnh đến những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thanh tra giáo dục. Năm 2017 và một số năm tiếp theo, ngành giáo dục tập trung nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế cho hoạt động thanh tra giáo dục.

Theo đó, người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò công tác thanh tra và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Giáo dục đối với công tác thanh tra.

Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng kế hoạch và tổ chức sửa đổi, bổ sung các văn bản về thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng theo thứ tự ưu tiên; bổ sung một số chế tài trong các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục tạo công cụ cho việc xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong và ngoài cơ sở giáo dục.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ thanh tra và CTVTTGD. Đồng thời chuẩn hóa quy trình, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra.

Năm 2017 sẽ tập trung thanh tra các nội dung gắn với việc thực hiện 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp trọng tâm của toàn ngành. Chuẩn hóa hoạt động thanh tra từ khâu chuẩn bị thanh tra, xây dựng kế hoạch thanh tra, ban hành quyết định thanh tra, xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra và tổ chức hoạt động thanh tra đảm bảo theo trình tự, thủ tục quy định.

Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, thực hiện công khai kết luận thanh tra; kết hợp thanh tra với kiểm tra. Đặc biệt cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra bảo đảm kết luận, kiến nghị thanh tra được thực hiện trong thực tế, không để tình trạng « vạch ra nhưng để đấy ».

Vấn đề đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng như việc phối hợp cần quan tâm thế nào thưa ông?

Thanh tra Bộ, thanh tra sở GDDT, thanh tra nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học cần tập trung rà soát, phân loại các vụ việc tồn đọng để giải quyết dứt điểm, không để tích tụ mâu thuẫn và phát sinh các điểm nóng.

Các cơ quan thanh tra cần phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc xem xét, giải quyết đơn thư, bảo đảm việc giải quyết khiếu nại tố cáo đúng thẩm quyền, đúng nội dung, đúng thời gian và quy trình quy định.

Xây dựng cơ chế phối hợp thường xuyên giữa Bộ GDĐT với Thanh tra Chính phủ, giữa Thanh tra Bộ GDĐT với thanh tra các bộ, ngành, địa phương; giữa Sở GDĐT, Phòng GDĐT với cơ quan thanh tra giáo dục ở địa phương trong việc xây dựng kế hoạch, tiến hành thanh tra và xử lý sau thanh tra.

Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra về công tác thanh tra. Thực hiện việc thanh tra lại khi cần thiết.

Trân trọng cám ơn ông!