cau truyen hinh ngan hoa dang bac
Các đại biểu tham dự cầu truyền hình tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Dự tại điểm cầu Bảo tàng Hồ Chí Minh (Quận 4, T.P Hồ Chí Minh) có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.

Điểm cầu Thái Nguyên tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De (thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa) có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Khen thưởng Trung ương; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND T.P Hồ Chí Minh.

Đại biểu tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh và đông đảo nhân dân.

cau truyen hinh ngan hoa dang bac
Các đại biểu dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa

Trước khi tham dự cầu truyền hình các đại biểu do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dẫn đầu, cùng các đại biểu đã dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu đã thành kính, nguyện hứa sẽ phát huy mạnh mẽ tinh thần thi đua yêu nước và truyền thống của quê hương cách mạng, học tập, làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người về thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện tốt các phong trào thi đua, để phong trào thi đua yêu nước của tỉnh ngày càng phát triển, góp phần xứng đáng vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Cách đây 70 năm, vào mùa xuân năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, tình hình đất nước đang rất khó khăn, nhằm kêu gọi, động viên toàn thể dân tộc phát huy mọi khả năng, cống hiến to lớn cho cách mạng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc.

Để triển khai Chỉ thị này, ngày 11/6/1948, tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc với mục tiêu ban đầu là “Diệt giặc đói - Diệt giặc dốt - Diệt giặc ngoại xâm”. Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc là: "Toàn dân sẽ đủ ăn đủ mặc, toàn dân biết đọc biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”.

“Thi đua là yêu nước, và yêu nước thì phải thi đua; những người thi đua là những người yêu nước nhất” - Nội dung được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đã trở thành lời hiệu triệu cho cả dân tộc. Điều này không chỉ được đúc kết từ thực tiễn cách mạng, mà Người còn tiên phong và là tấm gương sáng để phong trào thi đua yêu nước lan tỏa rộng khắp cho đến tận ngày nay.

cau truyen hinh ngan hoa dang bac
Giao lưu cùng khách mời bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Trong thời gian 120 phút, Chương trình cầu truyền hình “Ngàn hoa dâng Bác” đã tái hiện hành trình 70 năm của Lời kêu gọi Thi đua ái quốc trong kháng chiến, trong lao động sản xuất và học tập…qua các video clip và tiết mục ca múa nhạc đặc sắc.

Các đại biểu, nhân dân ở hai điểm cầu và khán giả cả nước cũng được nghe, giao lưu với nhiều vị khách mời đặc biệt. Đó là bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Anh hùng Lực lượng vũ trung nhân dân Trương Đức Hai - người 8 lần được phong dũng sĩ bởi thành tích sáng tạo trong chiến đấu và cải tiến vũ khí; ông Châu Văn Huy, nguyên Phó Giám đốc Bưu điện Hà Nội - người được mệnh danh là "Kiện tướng sáng kiến ngành Bưu điện"; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Văn Em - nguyên cán bộ trinh sát vũ trang Ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định…Cùng với đó là những điển hình tiên tiến trong học tập, nghiên cứu, lao động sản xuất đã và đang góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khách mời tham gia giao lưu trong Chương trình chính là tấm gương tiêu biểu, minh chứng sống động cho thấy Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 70 năm đã, đang và sẽ tiếp tục lan tỏa trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Những chia sẻ đã giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ cảm nhận sâu sắc hơn về sự hy sinh của thế hệ cha anh. Từ đó, sống có trách nhiệm, tham gia tích cực hơn nữa các phong trào thi đua, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh./.