Người Catalonia ở Tây Ban Nha (và có thể là cả người Kurd ở Iraq) đang khiến các chính quyền phương Tây phải đau đầu. Lý luận về chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết của một cộng đồng ở vào thế loại trừ nhau, trong khi chúng lại được coi là nền tảng của dân chủ phương Tây.

catalonia doi doc lap phuong tay trong cuoc khung hoang ly luan
Người Catalonia muốn tách khỏi Tây Ban Nha. Ảnh; Zero Hedge.

Hai cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd ở Iraq và người Catalonia ở Tây Ban Nha vẫn ở ‘trên đe’ của dư luận. Họ bị chỉ trích là đang khơi mào cho một làn sóng ly khai trên toàn thế giới với hành động liều lĩnh của mình. Một danh sách dài các phong trào có màu sắc tương tự đang chờ đợi thành công của họ để có thể ‘vẫy cờ’ trỗi dậy ở nhiều khu vực khác của thế giới.

Người Kurd ở Iraq tỏ ra thận trọng khi nhắc đến kết quả trưng cầu, kêu gọi đối thoại với chính quyền trung ương ở Baghdad về quá trình ly khai trong hòa bình. Còn giới chức Catalonia có vẻ mạnh dạn hơn khi nói chuyện tuyên bố độc lập chỉ còn là vấn đề thời gian. Dĩ nhiên, những hành động này đã bị bác bỏ. Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi khẳng định một cuộc đối thoại nghiêm túc chỉ có nếu chính quyền người Kurd tự xóa bỏ kết quả của cuộc ‘trưng cầu vi hiến’. Madrid thì mạnh tay hơn. Nhà vua Tây Ban Nha chẳng kiêng dè gì câu chữ khi khẳng định chính quyền Catalonia đã ‘phá vỡ các nguyên tắc dân chủ’ và làm xói mòn có hệ thống ‘các luật lệ được thông qua hợp pháp và hợp hiến, và cho thấy sự phản bội không chấp nhận được với quyền lực nhà nước.’

Câu hỏi từ hai điểm nóng này là liệu một nhóm người có cùng mối quan hệ thân thuộc với những đặc điểm riêng có như chung sắc tộc, tôn giáo, lịch sử hay ngôn ngữ - có quyền tự quyết định vận mệnh chính trị của mình hay không? Ở phía ngược lại, có một quan điểm đang bao trùm và lấn át: một nhà nước hay cộng đồng quốc tế có quyền hợp pháp để ngăn chặn các phong trào đòi ly khai thực hiện quyền của họ. Vậy cơ sở của các quan điểm này nằm ở đâu?

Trong bài diễn văn 14 điểm nổi tiếng được đưa ra ngay trước khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, cựu Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã thiết lập khái niệm Tự quyết. Đây cũng được coi như là một trong những hòn đá tảng của hệ thống quốc tế hiện đại. Nhưng cũng từ đó có nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Đó là vào thời điểm nào trong lịch sử, việc chia tách các thực thể chính trị trong quốc gia thành các đơn vị nhỏ hơn không được phép diễn ra nữa? Và ai sẽ là người quyết định điều đó? Có phải một số tuyên bố tự quyết có giá trị pháp lý hơn những hành động tương tự? Các tiêu chí phổ quát là gì và nếu có, chúng có nên được áp dụng để khuyến khích các dân tộc phấn đấu giành độc lập không?

Nhu cầu được tự quyết định vận mệnh chính trị của mình đã và đang xung đột với quá trình xây dựng nhà nước và quốc gia tại nhiều khu vực của thế giới trong hai thế kỷ qua. Nó vẫn tiếp diễn khi toàn cầu hóa xảy ra, thậm chí là vận động đồng thời. Lịch sử chứng kiến tại châu Âu sự tồn tại song hành của hai xu hướng trái ngược nhau này. Ví dụ như đảng Quốc gia Scotland và phong trào Flemish tại Bỉ cùng đòi quyền độc lập nhưng họ cũng thích ở lại làm một phần của Liên minh châu Âu (EU). Họ vẫn đòi quyền tự quyết bất chấp việc nhận được đều đặn các khoản trợ cấp từ tư cách thành viên của một siêu nhà nước như EU. Phải chăng chính các phong trào độc lập cũng đang tự mâu thuẫn?

Trở lại với phản ứng của Thủ tướng Iraq Abadi và nhà vua Tây Ban Nha Felipe, những người đã phác họa sự ly khai nghĩa là phản bội và là mối đe dọa với sự toàn vẹn của đất nước. Đó là lý do cần phải dập tắt những ý tưởng đó. Tuy nhiên, việc quy kết chính phủ tự trị của người Kurd và chính quyền vùng Catalonia là đe dọa ổn định và thịnh vượng không phải là cách tốt để trấn an những người có tình cảm dân tộc mạnh mẽ. Những phát ngôn như vậy càng chỉ khiến họ thúc đẩy các hành động chính trị mạnh mẽ hơn. Mà ở đây, hiệu ứng lan truyền tiềm ẩn nguy cơ với cả khu vực.

Tuyên bố độc lập của cộng đồng người Kurd ở Iraq nếu được chính thống hóa và cụ thể hóa sẽ kéo theo các yêu sách tương tự của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria. Còn nếu nền độc lập của Catalonia thành hiện thực, chẳng có lý do gì xứ Basque ở Tây Ban Nha và Pháp không làm như vậy.

Hai cuộc trưng cầu ý dân vừa diễn ra là những tín hiệu cảnh báo cho các quốc gia. Một mặt họ phải xem lại liệu đã giải quyết thỏa đáng và nhận thức đầy đủ về quyền của các nhóm sắc tộc trong lãnh thổ của mình chưa. Những quyền này rất đa dạng từ chính trị, kinh tế và tự trị về văn hóa. Bài toán là các nhà nước phải thỏa mãn các yêu cầu này mà không được làm ảnh hưởng tới sự toàn vẹn lãnh thổ của cả đất nước. Lý luận chưa thông, trong khi thực tiễn quá phức tạp.

Đó thực sự là thách thức rất khó đối với nhiều quốc gia nếu muốn ‘hạ màn’ các phong trào ly khai./.