canh bao hanh vi mao danh bac si chua benh ban thuoc
Thông tin giả mạo các cơ sở y tế nhan nhản trên các trang mạng xã hội

Hành vi lừa đảo

Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương vừa phát đi cảnh báo có một số tổ chức, cá nhân mạo danh cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại BV nhắn tin, gọi điện hoặc cung cấp các đường link website, Facebook, số điện thoại tổng đài giả mạo BV cho người bệnh. Các đối tượng này lợi dụng hình ảnh BV để tư vấn và giới thiệu các loại thuốc điều trị, sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc có thể gây hại đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí tử vong. Theo PGS-TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương, BV không triển khai khám bệnh online trên bất cứ phần mềm ứng dụng nào, nên mọi liên kết, mời chào, giới thiệu qua mạng xã hội là giả danh, có tính chất lừa đảo… Trước đó, nhiều BV khác như: Trung ương Quân đội 108, Chợ Rẫy, Bình Dân... cũng đã cảnh báo tới người dân cẩn trọng trước các thông tin quảng cáo tư vấn bán thuốc, khám chữa bệnh trên mạng để tránh… tiền mất tật mang.

Cùng với đó, không ít giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình, hỗ trợ sinh sản, ngoại khoa, da liễu... cũng bị “mượn” hình ảnh, tên tuổi để tư vấn sản phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc, quảng cáo cơ sở chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ viện. Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, BV Thẩm mỹ JW, vừa lên tiếng về việc hình ảnh và tên tuổi của mình bị một số cơ sở thẩm mỹ mạo danh dưới hình thức hợp tác. Bác sĩ Tú Dung khẳng định, không hợp tác với thẩm mỹ viện nào. Không chỉ Facebook, nhiều website còn lợi dụng hình ảnh và danh tiếng của vị bác sĩ thẩm mỹ này để quảng cáo, tư vấn...

canh bao hanh vi mao danh bac si chua benh ban thuoc
Một bệnh nhân nhập viện do uống thuốc không rõ nguồn gốc mua trên mạng, được điều trị tại khoa cấp cứu BV Đại học Y dược TPHCM. Ảnh: THÀNH AN

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội - BV Nhi đồng 1, cũng bức xúc: “Hình ảnh của tôi lúc thì được người ta sử dụng để bán thuốc đau lưng, khi thì thuốc nam khoa, còn giờ lại là thuốc tăng trưởng chiều cao. Ngay cả Fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” mà tôi lập ra để tư vấn cho phụ huynh cũng được nhân bản rất nhiều”. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc mạo danh khiến nhiều phụ huynh, người bệnh sử dụng nhầm những sản phẩm, thuốc không rõ nguồn gốc, gây hậu quả rất khó lường.

Cần thận trọng và tìm hiểu kỹ

Gần đây, không ít bệnh nhân bị ngộ độc, biến chứng nặng do tự mua thuốc về điều trị khi nghe theo những mời chào, tư vấn trên mạng. Điển hình mới đây là trường hợp của bệnh nhân tên N.N.Đ. (47 tuổi, ngụ quận 12) nhập BV Nhân dân 115 trong tình trạng hôn mê, hạ đường huyết. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ông Đ. bị viêm xoang mạn tính, không có tiền sử bị đái tháo đường. Cách ngày nhập viện 1 tuần, người bệnh đọc thông tin và đặt mua một lọ thuốc trị viêm xoang không rõ nguồn gốc trên mạng về uống. Theo bác sĩ Võ Tuấn Khoa, Khoa Nội tiết BV Nhân dân 115, đây là trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng ở người khỏe mạnh, mà nguyên nhân nhiều khả năng liên quan đến việc uống các thuốc không rõ nguồn gốc.

“Có nhiều trường hợp vì tin vào những lời quảng cáo thổi phồng trên mạng nên đã mua thuốc Đông y trôi nổi về sử dụng. Hậu quả, nhiều người đã phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc, tổn thương da toàn thân, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận, thậm chí có trường hợp tử vong”, bác sĩ Võ Tuấn Khoa cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế, quy định của Bộ Y tế nêu rõ các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc trên mạng là giả mạo. “Ngành y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân”, ông Nguyễn Văn Nhiên nhấn mạnh. Còn theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, việc mạo danh bác sĩ, người nổi tiếng chữa bệnh bán thuốc hiện đang là một thực trạng nhức nhối. “Hiện Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với Thanh tra Sở TT-TT tăng cường kiểm tra xử lý trong lĩnh vực này. Nếu phát hiện sai phạm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho hay. Để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình, PGS-TS Tăng Chí Thượng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác để không bị các đối tượng mạo danh bác sĩ hay BV điều trị, kê đơn, bán thuốc…

PGS - TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế):

Khó quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng

Hiện các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đang ngày càng tinh vi, khiến cơ quan chức năng khó xử lý. Theo quy định pháp luật, vi phạm về quảng cáo thì xử lý theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc quản lý nội dung quảng cáo trên một số trang mạng xã hội, website hiện rất khó khăn, đặc biệt với những mạng xã hội, website có hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài.

Luật sư PHẠM HOÀI NAM, Hãng Luật Bến Nghé - Sài Gòn:

Có thể khởi tố hình sự

Mạo danh người khác để trục lợi là hình vi vi phạm pháp luật và tùy thuộc vào hình thức vi phạm, tính chất nguy hiểm, mức độ hậu quả gây ra mà đối tượng mạo danh có thể bị xử phạt hành chính, bị khởi kiện dân sự hoặc xử lý trách nhiệm hình sự. Trường hợp đối tượng dùng thủ đoạn mạo danh người khác để gian đối, chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, với hình phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc chung thân. Nếu hành vi vi phạm không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo các điều trên thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự xã hội theo quy định Nghị định 167/2013/NĐ-CP đối với hành vi này./.