Kuwait hôm qua (20/7) yêu cầu Đại sứ Iran rời nước này trong vòng 48 ngày. Đây là bước đi tiếp theo leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia vùng Vịnh, đồng thời làm phức tạp thêm những nỗ lực hòa giải của Kuwait trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và 4 quốc gia Arab, bao gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.

cang thang kuwait iran lam phuc tap khung hoang ngoai giao vung vinh
Quốc kỳ Iran và Kuwait. Ảnh: iblagh.

Hãng thông tấn ISNA của Iran đưa tin, với sức ép trong chính sách can thiệp của Saudi Arabia cùng những cáo buộc vô căn cứ về sự can thiệp của Iran, Kuwait thông báo Đại sứ Iran tại Kuwait Alireza Enayati phải rời Kuwait trong vòng 48 ngày.

Trước đó, một quan chức chính phủ Kuwait cho biết, nước này đã ra lệnh trục xuất 15 nhân viên ngoại giao của Iran, đóng cửa các phái bộ quân sự, văn hóa và thương mại của Iran tại Kuwait. Theo Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ trưởng Thông tin Kuwait Mohammad al-Mubarak al-Sabah, động thái này được thực hiện "phù hợp với quy tắc ngoại giao và tuân theo các công ước Viên liên quan đến mối quan hệ của nước này với Cộng hòa Hồi giáo Iran".

Căng thẳng ngoại giao Iran-Kuwait bùng phát sau khi Tòa án Tối cao Kuwait đã kết án tù chung thân đối tượng cầm đầu một nhóm khủng bố và kết án 20 thành viên khác của nhóm này các mức phạt tù khác nhau, với cáo buộc có quan hệ với Iran, cũng như phong trào Hezbollah ở Lebanon và lên kế hoạch nhiều vụ tấn công tại Kuwait. Iran ngay lập tức phản đối các bước đi này, cho rằng những cáo buộc là vô căn cứ và cảnh báo đưa ra các bước đi trả đũa tương tự.

Theo hãng tin bán chính thức Fars, Iran hôm qua cũng triệu Đại biện lâm thời Kuwait để phản đối những biện pháp hạn chế mà quốc gia Arab này vừa áp đặt đối với phái bộ của Iran.

Việc trục xuất các đại sứ là điều bất thường đối với Kuwait- quốc gia luôn tránh xung đột và giữ mối quan hệ tốt với tất cả các nước trong khu vực. Kể cả khi Iran bị nhiều quốc gia trong khu vực phản đối nhưng cùng với Qatar, Kuwait vẫn có mối quan hệ tốt với Iran trong nhiều năm qua. Kuwait là quốc gia vùng Vịnh chưa áp đặt trừng phạt nhằm vào Qatar, khi khủng hoảng ngoại giao khu vực nổ ra và có thái độ trung lập trong cuộc khủng hoảng này. Hiện Kuwait cũng đang nỗ lực làm trung gian nhằm chấm dứt khủng hoảng giữa Qatar và 4 quốc gia Arab, với sự ủng hộ của nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Pháp….

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đánh giá cao vai trò hòa giải của Kuwait đối với khủng hoảng khu vực: “Tôi nghĩ rằng Kuwait đang làm tốt nhiệm vụ của mình trong nỗ lực đưa các bên xích lại gần nhau. Mặc dù chưa mang lại nhiều kết quả rõ rệt nhưng các bên đều đang nỗ lực hướng tới mục tiêu chung giảm căng thẳng giữa hai bên”.

Tuy nhiên một trong những yêu cầu nới lỏng trừng phạt của các nước Arab với Qatar là hạ cấp mối quan hệ với Iran. Chính vì vậy, ngay sau khi căng thẳng giữa Iran và Kuwait nảy sinh, Saudi Arabia ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh bước đi của Kuwait.

Theo chuyên gia phân tích Mỹ về Vùng Vịnh Kristian Ulrichsen, yêu cầu Đại sứ Iran rời khỏi Kuwait đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cách tiếp cận của quốc gia này đối với Iran. Bất đồng ngoại giao nảy sinh cũng có thể ảnh hưởng đến vai trò và uy tín của Kuwait trong nỗ lực hòa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất vùng Vịnh trong nhiều năm qua./.