Công trình trại lợn nái của Công ty TNHH Phan Thị Trâm rộng hơn 1,3 ha, được xây dựng từ tháng 10/2017 tại ấp 94, xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, có quy mô nuôi 2.400 lợn nái. Nhưng đó chỉ là phần diện tích xây dựng công trình, thực tế toàn bộ dự án lên tới gần 14 ha.

Tại thời điểm báo chí phát hiện, phản ánh, công trình này đã xây dựng xong nhiều hạng mục như 9 trại nuôi, diện tích mỗi trại khoảng 1.300 m2 và 6 trại khác diện tích khoảng 900 m2/trại; ngoài ra còn có các dãy nhà ở cho công nhân, kho chứa và các thiết bị đang được lắp ráp. Đáng chú ý, các hồ chứa nước thải được được bố trí ngay kế bên mặt nước hồ Trị An.

can xu ly dut diem trai lon ben ho tri an tranh tien le xau
Trại lợn không phép được xây dựng ngay bên hồ thủy điện Trị An.

Theo thông tin mà ngành chức năng tỉnh Đồng Nai cung cấp, dự án được triển khai từ tháng 10/2017 nhưng đến tháng 3/2018, chủ đầu tư mới nộp hồ sơ xin cấp phép đầu tư và đánh giá tác động môi trường.

Do vị trí dự án nằm ngay bên hồ Trị An, thuộc khu vực rất nhạy cảm về môi trường nên UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu loại bỏ phần diện tích nằm trong hành lang bảo vệ an toàn nguồn nước, yêu cầu thẩm định kỹ các công trình thu gom, xử lý nước thải phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường, có thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường…

Thế nhưng, đến ngày 16/5/2018, khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai tổ chức thẩm định thì phát hiện chủ dự án đã xây dựng nhiều hạng mục dù hoàn toàn chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Sự việc sau đó được báo cáo cho UBND tỉnh Đồng Nai.

UBND huyện Định Quán xác nhận, dù công trình đã xây dựng xong nhiều hạng mục nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa được cấp phép đầu tư, chưa được cấp phép xây dựng, dự án cũng không nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi.

can xu ly dut diem trai lon ben ho tri an tranh tien le xau
Trại lợn được đầu tư quy mô với toàn bộ dự án lên tới gần 14 ha

“Nhà đầu tư cũng đã nộp các hồ sơ về tỉnh để xin chủ trương đầu tư, tuy nhiên, các sở ngành đang nghiên cứu và cho ý kiến. Nhà đầu tư cũng chưa thực hiện các thủ tục để cấp phép xây dựng, chưa xong các bước lập ĐTM (đánh giá tác động môi trường). Nói chung về mặt pháp lý thì nhà đầu tư chưa có gì cả” - ông Trần Nam Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết.

Sau khi “phát hiện” sai phạm, UBND huyện Định Quán đã yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công, xử phạt hành chính 40 triệu đồng. Sau thời 2 tháng, chủ đầu tư vẫn không hoàn tất được các hồ sơ nên bị buộc tháo dỡ công trình.

Khi sự việc được phát hiện, lập tức các chuyên gia môi trường lên tiếng phản đối việc xây dựng một dự án quy mô lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, hồ Trị An là nguồn cung cấp nước thô cho hàng chục triệu dân ở TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Giáo sư - Tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường (trường Đại học Công nghiệp TP HCM) đặt vấn đề, nếu đã thấy sai thì phải xử lý dứt điểm, không được “lách” để thông qua dự án, tránh để lại tiền lệ xấu.

“Thực tế không nên làm trang trại khi đây là đầu nguồn nước có thể xảy ra tình trạng ô nhiễm không kiểm soát được. Nếu xảy ra ô nhiễm nguồn nước thì khắc phục hậu quả rất khó khăn, phải ngăn chặn không cho làm. Việc buông lỏng quản lý khiến người này làm được, người kia cũng làm “bậy” được” - Giáo sư - Tiến sĩ Lê Huy Bá nói.

Mặc dù cơ quan quản lý đã có động thái vào cuộc xử lý, nhưng câu hỏi đặt ra là một công trình “khủng” có quá nhiều sai phạm như vậy tại sao có thể dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng, triển khai xây dựng nhiều hạng mục công trình quy mô lớn.

Thậm chí dù đã bị yêu cầu tháo dỡ nhưng đến nay, ghi nhận tại hiện trường cho thấy công trình này mới chỉ dừng thi công chứ chưa hề tháo dỡ, nhiều vật liệu phục vụ việc xây dựng vẫn còn ngổn ngang./.