Sáng nay (7/7), tại tỉnh Bắc Ninh, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo: “Xây dựng khung năng lực vị trí việc làm công chức trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và ông Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Khung năng lực của vị trí việc làm phản ánh toàn bộ các năng lực mà người đảm nhận vị trí việc làm cần phải có để hoàn thành tốt công việc được quy định trong vị trí việc làm; các công việc được mô tả trong một vị trí việc làm có mức độ phức tạp tương ứng với yêu cầu, trình độ của một ngạch công chức. Vị trí việc làm khác nhau có khung năng lực khác nhau.

Ông Mai Văn Chính mong muốn các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính khoa học, thực tiễn và phát huy trí tuệ trong thảo luận. Một số vấn đề cần làm rõ như: sự khác biệt về trình độ đào tạo, kinh nghiệm, chứng chỉ, kỹ năng và những chứng chỉ cần thiết khác; các kỹ năng và mức độ của từng kỹ năng trong khung năng lực để đáp ứng yêu cầu công việc của từng vị trí việc làm quản lý, chuyên môn của từng ngành.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, thuận lợi trong triển khai, thực hiện Quyết định số 2475 của Ban Tổ chức Trung ương về thí điểm bố trí sử dụng, tuyển dụng và quản lý công chức ngành Tổ chức xây dựng Đảng gắn với vị trí việc làm.

Đối với các đơn vị, địa phương, khi xây dựng vị trí việc làm đối với công chức phải đạt được các yêu cầu như: Có tính hệ thống, tương đối ổn định trong quá trình thay đổi, tinh gọn bộ máy; phải có tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ; mỗi vị trí việc làm chuyên môn bao gồm những công việc đặc trưng, cần xem xét mức độ phức tạp tương ứng với ngạch bậc công chức; cần có khung năng lực về vị trí việc làm, trong đó năng lực có thể đo lường được và có tính khả thi.

Tuy nhiên, việc xác định vị trí việc làm đang gặp khó khăn, bởi những tiêu chí được đưa ra để đánh giá cán bộ còn chung chung, chưa mang tính định lượng, nên không thể so sánh được cán bộ này yếu kém hơn cán bộ kia để trả lương chênh lệch giữa các vị trí.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc tinh giản biên chế cơ học theo kiểu giảm 10% theo số lượng hiện có, liệu có phù hợp, khi công việc ngày càng nặng nề hơn trong tình hình mới?

Ông Khuông Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến: “Do xây dựng vị trí việc làm trên cơ sở thống kê công việc, đồng thời công việc chưa được lượng hóa nên chưa có cơ sở để xác định số biên chế và số việc làm, vì vậy chưa khắc phục được tình trạng các cơ quan khi xây dựng đề án đều muốn tăng biên chế”./.