Việc Mỹ và các nước phương Tây đẩy mạnh can thiệp vào tình hình chính trị nội bộ tại Venezuela kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến vừa qua khiến sức ép từ bên ngoài đối với Chính quyền của Tổng thống Maduro ngày càng gia tăng.

can thiep cua nuoc ngoai can tro venezuela phuc hoi
Ngoại trưởng Venezuela Arreaza. Ảnh: notitotal.

Sau cuộc gặp với các đại sứ Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh hôm 4/9, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Jorge Arreaza đã tổ chức họp báo để lên tiếng công khai phản đối sự can thiệp của một số nước phương Tây vào công việc nội bộ của Venezuela trong thời gian gần đây. Việc làm này của các nước phương Tây vốn không phải là vấn đề mới nhưng nó có vẻ đang đi quá giới hạn khi họ không chỉ sử dụng lời nói mà còn thực hiện bằng hành động.

Tuần trước, Chính quyền của Tổng thống Maduro đã ngăn chặn việc đại sứ của một số nước châu Âu tại Venezuela đích thân đưa một nhân vật hoạt động nhân quyền ra tận sân bay để thực hiện kế hoạch đi tuyên truyền một vòng châu Âu. Sự việc này chỉ xảy ra ít ngày sau khi Chính quyền Mỹ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới và đe dọa có thể sử dụng biện pháp quân sự để đòi lại cái mà Mỹ cho là sự dân chủ cho người dân Venezuela.

Điều đáng nói là những hành động gia tăng sức ép với Caracas của các nước phương Tây đang tiến hành ngày càng quyết liệt chỉ diễn ra ít ngày sau khi Venezuela tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến với kết quả phe đối lập cánh hữu mất quyền kiểm soát Quốc hội và mở ra hy vọng giúp sớm ổn định bất ổn tại đất nước Nam Mỹ này. Đa số người dân Venezuela đã tin cậy và lựa chọn Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) của Tổng thống Maduro tiếp tục lãnh đạo đất nước nhưng một số quốc gia bên ngoài không muốn chấp nhận thực tế đó.

Bên cạnh việc kiên quyết bác bỏ và phản đối thái độ thù địch cũng như sự can thiệp của một số quốc gia vào tình hình nội bộ của đất nước, chính quyền Venezuela vẫn thể hiện thiện chí và muốn có quan hệ bình đẳng với các nước này.

Tại cuộc họp báo ngày hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Jorge Arreaza khẳng định: “Chúng tôi muốn có quan hệ tốt không chỉ với Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh mà còn với tất cả các nước trên thế giới, nhưng họ cần phải tôn trọng chủ quyền, nền dân chủ và thể chế của Venezuela”.

Tuy nhiên, đồng hành với chính quyền và nhân dân Venezuela còn có nhiều nước bạn bè trên thế giới. Đây chính là nguồn cổ vũ to lớn để Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất và nhân dân Venezuela vững tin tiến hành các biện pháp giải quyết và khôi phục các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

Sau khi một số nước phương Tây công bố lệnh trừng phạt và tiến hành các hoạt động can thiệp nhằm vào Caracas, người dân tại các nước bạn bè của Venezuela đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối các hành động thù địch này.

Thể hiện tình cảm đối với nhân dân Venezuela, bà Odalys Vargas, một người dân tại thủ đô Havana, Cuba tham gia biểu tình nói: “Cũng giống như Venezuela, Cuba phản đối các biện pháp của chính quyền Mỹ. Chúng tôi chống lại những lệnh trừng phạt này bởi vì chúng tôi tin rằng chúng tôi đứng về phía Tổng thống Maduro và người dân Venezuela, những người đang chiến đấu cho sự công bằng”.

Hiện tại, Chính quyền của Tổng thống Maduro đang có điều kiện thuận lợi để tiến hành các giải pháp ổn định và khôi phục đất nước khi Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất giành lại quyền kiểm soát quốc hội với sự ủng hộ của đông đảo nhân dân Venezuela. Nếu gạt bỏ được những can thiệp tiêu cực từ bên ngoài, đất nước Venezuela có hy vọng sớm tìm lại được sự ổn định và tiếp tục đà phát triển đã đạt được từ thập niên trước./.