Còn nhiều rào cản trong kinh doanh

Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, tính đến hết năm 2018, cả nước có 714.755 DN đang hoạt động, tăng 9,2% so với năm 2017. Để đạt mục tiêu 1 triệu DN thì trong 2 năm 2019 và 2020 phải có khoảng 285.000 DN thành lập mới. Theo các chuyên gia, đây là mục tiêu không dễ thực hiện bởi bên cạnh những DN được thành lập mới cũng có không ít DN rút khỏi thị trường. Tính chung 7 tháng năm nay, cả nước có 79.300 DN đăng ký thành lập mới nhưng số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 23.100 DN (tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước) và số lượng DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể cũng lên tới 24.800 DN.

Cùng với số lượng DN phát triển tự nhiên theo từng năm thì còn một nguồn lực rất lớn có thể chuyển đổi thành DN, đó là các hộ kinh doanh cá thể. Tổng điều tra cả nước hiện có 5,3 triệu hộ kinh doanh cá thể nhưng trên thực tế, số lượng hộ kinh doanh chuyển thành lập DN không đáng kể vì nhiều nguyên nhân, trong đó vấn đề cốt lõi nhất là chúng ta chưa có các chính sách hỗ trợ phù hợp, hoặc có nhưng chậm triển khai, không đi vào cuộc sống. Những DN đã thành lập cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê trong quý 2-2019 cho thấy, một số yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN tư nhân là khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước chiếm 58,4%; nhu cầu thị trường trong nước thấp 44,3%; có 33,7% DN khó khăn về tài chính; không tuyển được lao động theo yêu cầu 30,5%; lãi suất vay vốn cao là 28,4%...

can them cac chinh sach ho tro va nuoi duong doanh nghiep
Doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi phát triển. Ảnh: CAO THĂNG

Mặt khác, quy định hiện hành về trình tự, thủ tục gia nhập thị trường còn một số hạn chế, bất cập. Nếu so sánh với quốc tế và khu vực, quá trình thành lập DN và khởi sự kinh doanh ở Việt Nam tốn kém về thời gian và chi phí hơn so với nhiều nước và được đánh giá còn nhiều phức tạp. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2019, Việt Nam xếp hạng 104/190 quốc gia và nền kinh tế về quá trình khởi sự kinh doanh. Nếu đo bằng số thủ tục và thời gian, khởi sự kinh doanh ở Việt Nam bao gồm 8 bước thủ tục (được quy định ở nhiều luật khác nhau) và khoảng 17 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ và thời gian chờ).

Cần thay đổi tư duy về DN

Bàn về việc phát triển đội ngũ 1 triệu DN vào năm 2020, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng thực tế chúng ta đã có một đội ngũ DN rất hùng hậu với hơn 700.000 DN và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Ai bảo các hộ kinh doanh đang sở hữu 3-5 lao động không phải là DN? Do vậy, điều đầu tiên là phải thay đổi tư duy về DN.

Thứ hai, nên đánh giá về quy mô các DN trong từng thời kỳ (hiện nay chúng ta chưa từng đánh giá), ví dụ các DN ra đời từ năm 2010 đến nay thì quy mô phát triển cỡ nào hoặc đã “chết”. “Tôi có tìm hiểu từ một cơ quan đăng ký tại Mỹ chuyên quản lý các DN nhỏ như cắt tóc, làm móng tay với quy mô sử dụng 2-3 lao động. Cơ quan này có số lượng thống kê rất cụ thể, trong 5 năm qua có bao nhiêu DN ra đời và “chết” đi. Họ làm việc này để tư vấn cho những DN thành lập mới, để nghiên cứu xem các cơ chế chính sách có phù hợp hay chưa, tại sao các DN không lớn lên hay vì nhiều nguyên nhân khác… Vì vậy, theo tôi, dù có đạt 1 triệu DN hay không, không quan trọng bằng chúng ta cần những con số thống kê và phân tích trong 5 năm qua thực hiện theo Luật DN, đã có bao nhiêu DN ra đời, trong số đó có bao nhiêu DN lớn lên, bao nhiêu DN không chịu lớn, vì sao như vậy?”, TS Trần Du Lịch chia sẻ.

Cũng theo TS Trần Du Lịch, 10 năm trước cả nước chỉ có khoảng 300.000 DN ra đời hoạt động theo Luật DN, đóng góp 8%-9% GDP cho nền kinh tế, còn bây giờ số lượng đã tăng hơn gấp đôi nhưng cũng chỉ đóng góp bấy nhiêu. Cụ thể, trong số 40% GDP từ khu vực DN tư nhân thì các hộ kinh doanh cá thể đóng góp tới 31%-32%, còn các DN chỉ chiếm chưa đầy 10%, như vậy là quá thấp. Vậy tại sao chúng ta không quan tâm đến những thành phần có đóng góp lớn cho nền kinh tế, mà lại đi tập trung quá nhiều vào DN? Tại sao chúng ta không quan tâm, tìm hiểu vì sao các hộ kinh doanh không chịu lên DN? Khi chúng ta làm rõ được những vấn đề còn vướng mắc, từ đó có những chính sách phù hợp thì công cuộc chuyển đổi mới thành công. Theo TS Trần Du Lịch, cần có biện pháp để từng bước đưa các hộ cá thể lên DN, đồng thời có biện pháp để thực hiện kê khai thuế đối với hình thức kinh doanh này. Làm được điều này, chúng ta phát triển được dịch vụ kế toán, tạo điều kiện cho DN làm ăn minh bạch hơn.

Theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vấn đề quan trọng không phải ở con số có bao nhiêu DN, mà cần quan tâm là làm sao để DN Việt Nam thực sự lớn lên được và trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước. Do đó, sửa đổi Luật DN lần này không chỉ đơn thuần nhằm mục tiêu giải quyết các bất cập trong thi hành luật như sửa đổi điều khoản chưa rõ ràng, chưa cụ thể, mà mục tiêu lớn hơn là hỗ trợ DN có thể kinh doanh với chi phí rẻ hơn, an toàn hơn, qua đó tăng cường thu hút, huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh./.