Báo cáo về tình hình thực hiện thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa (CPH) trong giai đoạn từ 2016 đến tháng 11/2018, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, cả nước đã thoái được 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái 406 danh mục, thoái vốn khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Trong đó Cục Tài chính kể ra, có 35 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 844 tỷ đồng; tổng số phát sinh phải nộp NSNN đạt 47.297 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Trong đó, một số doanh nghiệp cổ phần có số lỗ phát sinh lớn như Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh lỗ phát sinh 70 tỷ đồng; Tổng công ty LICOGI lỗ phát sinh 59 tỷ đồng....

Như vậy có thể thấy, vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu, như Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 79 tỷ đồng); Công ty CP Xuất – Nhập khẩu Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng)...

can tang thanh tra va xu ly vi pham de tranh that thoat von nha nuoc
Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), hàng năm bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải có báo cáo giám sát phân loại ABC.

“Nếu báo cáo không nghiêm, ban lãnh đạo xếp loại C không được khen thưởng, năm sau tiếp tục thụt lùi sẽ bị xử lý tăng nặng thêm và doanh nghiệp thua lỗ sẽ đưa vào dạng kiểm soát đặc biệt. Hiện đã có nhiều hình thức để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau CPH, cũng như thoát ỳ quá trình CPH đã được triển khai”, ông Tiến cho biết.

Trước việc một số doanh nghiệp sau CPH hoạt động có chiều hướng đi xuống, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định, có thể theo áp dụng theo Luật quản lý vốn để doanh nghiệp rà soát lại, trong đó, chế tài xử lý thế nào đối với người đại diện phần vốn nhà nước đều đã được quy định rõ.

“Hơn ai hết các cổ đông có quyền yêu cầu họp đại hội đồng cổ đông có quyền phế truất người đại diện phần vốn. Ví dụ, Công ty điện Quảng Ninh vừa qua khi hoạt động không hiệu quả, thua lỗ đã thay hết cấp lãnh đạo”, ông Tiến nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, DNNN mạnh hay yếu còn căn cứ vào nhiều tiêu chí, trong đó có lợi nhuân. Trong năm 2016-2017, DNNN có tăng trưởng về các mặt tiêu chí, tăng vốn lợi nhuận cũng như nộp ngân sách nhà nước. Nếu so sánh với các khối doanh nghiệp khác, DNNN giữ vai trò quan trọng làm công tác chính sách xã hội hoặc cứu trợ khó khăn… là những thực tế không chối bỏ được.

“Mục tiêu của nhà nước là đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN, trọng tâm và mục đích mong muốn Tập đoàn, Tổng công phải có sự đổi mới. Cụ thể hơn là có sự thay đổi cơ chế quản trị, thay đổi điều hành sản xuất kinh doanh bảo đảm minh bạch công khai, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả hơn, tương xứng nguồn lực các doanh nghiệp đã có”, ông Long nhấn mạnh.

Cần kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu

Sau khi đề cập đến 12 nhóm giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, ông Đặng Quyết Tiến chỉ rõ, trong quá trình CPH, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao.

Các cấp lãnh đạo chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp cũng như chưa công khai minh bạch theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước. Một số DNNN chậm sửa đổi bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên nhiên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Do vậy, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt, cần kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường.

Để làm được điều này, ông Tiến cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Nên bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch CPH và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Cần bổ sung danh mục thanh tra đối với các doanh nghiệp chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Định kỳ công bố công khai thông tin về CPH, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ CPH, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện”, ông Tiến nêu rõ./.