Vẫn biết không có thương hiệu nào trên thế giới tồn tại và có giá trị vĩnh viễn, chẳng đâu có thể phát triển nếu chỉ biết ôm quá khứ vàng son. Với một đơn vị đã liên tục thua lỗ 20 năm, đa số cán bộ nghệ sĩ phải tự bươn chải để sống như Hãng phim truyện Việt Nam thì việc cổ phần hóa, từng được ví như luồng sinh khí mới, vực dậy được nghiệp làm phim.

Nhưng những bất cập sau khi cổ phần hoá, nguy cơ suy sụp một thương hiệu lâu đời, các nghệ sĩ tài năng kêu cứu… cho thấy mục tiêu đặt ra ban đầu đã không đạt được.

can lam ro nhung khuat tat trong viec co phan hoa hang phim truyen viet nam

Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam đã xuống cấp trầm trọng.

Với hàng loạt bài viết “Ông chủ thực sự của Hãng phim truyện Việt Nam là ai?”, “Lùm xùm chuyện cổ phần hóa hãng phim Việt Nam”, “Nguy cơ “xóa sổ” Hãng phim truyện Việt Nam”, “Hãng phim truyện Việt Nam gửi đơn kêu cứu”…. phủ kín các trang báo thời gian gần đây, chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam - một hãng phim có bề dày lịch sử 60 năm cho thấy sức nóng của câu chuyện.

Dư luận đặt câu hỏi vì sao Ban Chỉ đạo cổ phần hóa lại lựa chọn đối tác chiến lược là Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy (VIVASO) - một công ty không am hiểu về nghệ thuật thứ 7, để đặt niềm tin đối tác này sẽ vực dậy ngành điện ảnh nước nhà? Có gì khuất tất khi giá trị thương hiệu của một "địa chỉ đỏ" của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam là 0 đồng…

Diễn viên, đạo diễn Quốc Tuấn của Hãng phim truyện Việt Nam bày tỏ bức xúc: “Một doanh nghiệp lọc lõi khi đầu tư vào bất cứ cái gì đều phải tìm hiểu rất rõ vì đó là máu thịt, không có chuyện không hiểu gì về điện ảnh lại đầu tư vào đây. Một người không biết gì về điện ảnh mà đầu tư vào đây để làm gì, làm sao hiểu được mà đầu tư? Tức là anh ta không có ý định đầu tư một ít gì vào điện ảnh cả. Hoàn toàn dụng ý là đất. Cho nên chúng tôi không dời đi như những đơn vị Tổng công ty này nhảy vào cổ phần”.

Còn nhà văn Chu Lai thẳng thắn nói: “Tôi có thể khẳng định Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy không đủ tư cách, không đủ nhân cách, không đủ năng lực để làm chủ một hãng phim truyện đầu đàn, một hãng phim truyện có một truyền thống, một bề dày, niềm tự hào của dân tộc như Hãng phim truyện Việt Nam. Và nếu để tiếp diễn nữa thì số 4 Thụy Khê không còn là một địa chỉ văn hóa mà biến thành ra một cái chợ trời”.

Một thực tế mà ngay các các nghệ sỹ Hãng phim truyện Việt Nam cũng phải thừa nhận là, từ nhiều năm nay, Hãng đã luôn rơi vào tình trạng thua lỗ, người lao động không có công ăn việc làm, phải sống nhờ vào nguồn vốn từ các dự án phim nhà nước đặt hàng. Vì thế, tất cả các cán bộ công nhân viên, nghệ sỹ đều mong muốn cổ phần hóa vì họ ý thức nếu không cổ phần, hãng phim sẽ “chết”.

Tuy nhiên, khi diễn ra việc cổ phần hóa thì đa số mọi người đều nhận thấy có một sự vội vã và thiếu minh bạch. Nổi lên là vấn đề xác định giá trị của hãng phim. Tổng công ty cổ phần Vận tài thủy trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 65% cổ phần với mức giá 34 tỷ đồng. Còn các nghệ sĩ của Hãng thì cho rằng số tiền này quá bèo bọt so với giá trị hãng phim hiện tại, nhất là giá trị thương hiệu lại chỉ được định giá 0 đồng.

Ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết: “Đây là một cánh chim đầu đàn, gồm tất cả các nghệ sĩ tiêu biểu nhất đã tạo dựng lên thương hiệu điện ảnh Cách mạng. Nhận thức của những người có trọng trách và Ban Chỉ đạo cổ phần đánh giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 thì rõ ràng nhận thức của những con người này cần xem xét.

Bởi hơn 400 tác phẩm ở đây là đi theo định hướng văn hóa, văn nghệ của Đảng, công chúng Việt Nam rất nhiều người biết đến những tác phẩm mà bây giờ định giá thương hiệu bằng 0 thì vô hình chung toàn bộ những tác phẩm đi theo những định hướng của Đảng ấy bằng 0”.

Nhiều nghệ sĩ ví tiến trình cổ phần hóa đã biến Hãng phim truyện Việt Nam thành cái chợ, nhà đầu tư chiến lược vi phạm hàng loạt những cam kết trước đó. Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy không hề có ý định phát triển ngành phim, mà chỉ tìm cách trục lợi, kinh doanh trên mảnh đất vàng của hãng. Điều này không phải không có căn cứ khi chính Nhà đầu tư chiến lược - ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy khẳng định sẽ không sống chết với điện ảnh.

“Chúng tôi kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, phim ảnh cũng là một chuyện. Bây giờ chúng ta đang rất khó về điện ảnh, ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, các phim đặt hàng gần như không có, cạnh tranh thị trường thì phim nước ngoài rất nhiều. Phim của chúng ta là mạnh về chiến tranh, chúng ta có rất nhiều thiết bị chiến tranh, cái này bây giờ có ai đóng đâu, mà đóng cũng ít người xem. Tôi cũng đang cố gắng ví dụ treo biển trong đó kể cả cho thuê mũ, các thứ từ cái xe đạp cũ, cái áo rách… cố gắng kiếm vượt cạn, chứ cứ nói sống chết vì điện ảnh thì không được”, ông Nguyễn Thủy Nguyên nói.

Những lùm xùm trong hoạt động của Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa đã được dự báo ngay từ khi Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy trở thành nhà đầu tư chiến lược. Hàng loạt nghi vấn được đặt ra, Tổng công ty cổ phần Vận tải thuỷ đã đáp ứng những điều kiện gì để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam? Ban cổ phần hóa của Bộ VHTT&DL đã làm tròn trách nhiệm chưa khi không tìm được cổ đông chiến lược có đủ tâm và tầm với nền điện ảnh?... Phần nào cho thấy sự mất lòng tin của các nghệ sĩ với cơ quan quản lý ngành văn hoá.

Việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam được kỳ vọng sẽ làm minh bạch những thắc mắc của cán bộ, nghệ sĩ Hãng phim nói riêng cũng như công chúng nói chung. Điều này cũng cho thấy rằng, chủ trương của nhà nước dù đúng tới đâu, nhưng nếu triển khai thực hiện không thấu đáo, không có tâm, có tầm thì sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường./.