Gia đình anh Hoàng Đức Lâm, xóm Na Long, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ là một trong những hộ có diện tích trồng nhãn khá lớn với trên 1ha. Năm nay, dự kiến, vườn nhãn sẽ cho anh thu nhập gần 200 triệu đồng. Nhưng nhiều năm qua, sản phẩm quả nhãn của gia đình cũng chỉ tiêu thụ tại chợ truyền thống. Anh Hoàng Đức Lâm chia sẻ: "Tôi được biết tới đây xã triển khai chương trình VietGap; nên tôi mong muốn được tham gia để mang tới những sản phẩm sạch; thị trường tiêu thụ ổn định hơn".

can giai phap lau dai cho tieu thu nong san dia phuong da ps
Sản phẩm nông nghiệp của gia đình anh Hoàng Đức Lâm mới chỉ tiêu thụ tại chợ truyền thống.

Xã Nam Hòa là một trong những địa phương có diện tích chuyên canh cây ăn quả lớn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ với gần 15ha. Trong đó, có nhiều loại cây ăn quả như ổi, bưởi, thanh long, cho giá trị kinh tế khá cao. Điển hình như gia đình anh Ngô Văn Trường, mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng từ 3ha cây ăn quả. Tuy nhiên, đến nay, chưa có loại cây ăn quả nào của gia đình anh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông sản an toàn hay VietGap. Anh Ngô Văn Trường, xóm Na Chanh cho biết: "Tôi mong muốn cùng với các hộ gia đình xây dựng thương hiệu và chỗ đứng vững chắc trên thị trường".

Hiện nay, tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh, hoa quả nhập khẩu từ nước ngoài và các địa phương khác chiếm trên 95% trong mặt hàng hoa quả. Việc đưa nông sản vào siêu thị đang gặp nhiều khó khăn bởi chủ yếu người dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trong khi quy định đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán. Vì vậy, nhiều siêu thị muốn nhận cũng không thể ký kết được. Chị Lê Thị Kim Dung, Trưởng ngành hàng thực phẩm, Siêu thị Lan Chi, Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: "Siêu thị chúng tôi chưa nắm bắt được các thông tin sản phẩm của địa phương nên vẫn chưa quan tâm nhiều đến các sản phẩm này".

can giai phap lau dai cho tieu thu nong san dia phuong da ps
Ông Dương Sơn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm, Thủy sản Thái Nguyên trao đổi với phóng viên

Thực tế cho thấy, hệ thống siêu thị, cửa hàng chính là kênh tiêu thụ hàng hóa ổn định cho người sản xuất, nhất là đối với sản phẩm nông sản và đây chính là con đường ngắn nhất để quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương tới người tiêu dùng. Trao đổi về nội dung này, ông Dương Sơn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Thái Nguyên thông tin thêm: "Các hợp tác xã, các doanh nghiệp phải áp dụng quy trình VietGap và được chứng nhận đảm bảo các sản phẩm an toàn thực phẩm; đồng thời, các doanh nghiệp phải thực sự quan tâm đầu tư, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu của mình".

Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp hiện đại. Để tháo gỡ khó khăn này, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, thì các địa phương, đơn vị có liên quan cần hỗ trợ, giúp đỡ người dân xây dựng thương hiệu, tiếp cận với thủ tục mua bán hiện đại./.