Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2005 còn Luật Giáo dục Đại học (ĐH) được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2012. Đến nay một số nội dung của cả hai Luật này đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Được biết, Bộ GD-ĐT dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục ĐH vào năm 2018.

Những vấn đề góp ý cho 2 Luật trên chính thức được đưa ra bàn luận, góp ý tại hội thảo “Góp ý và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức sáng 21/9 tại Hà Nội.

can co luat pha san cac truong dai hoc ngoai cong lap

Luật Giáo dục có một số quy định chưa phù hợp với thực tế đối với sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân (ảnh minh họa)

Hệ thống giáo dục quốc dân thể hiện ở các luật bộc lộ nhiều khiếm khuyết

Ông Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Luật Giáo dục hiện hành cần được điều chỉnh và bổ sung một số điều, chủ yếu rơi vào hai cụm vấn đề: Cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29 và Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: Hệ thống giáo dục quốc dân thể hiện ở các luật về giáo dục hiện hành bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết mà nếu không được sửa kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn tới tương lai gần của giáo dục Việt Nam.

Trước hết, phải nói hệ thống đó đi ngược lại một loạt định hướng quan trọng của Nghị quyết 29 như: Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, phấn đấu đến năm 2020 có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương; Định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; Thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng – thực hành; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

Để nghị quyết 29 sớm đi vào cuộc sống hệ thống giáo dục quốc dân, ông Lê Viết Khuyến cho rằng, ở Điều 4 Luật Giáo dục cần được sửa đổi theo hướng: Hệ thống giáo dục quốc dân phải là một hệ thống giáo dục mở, gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Các phân hệ và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo; Giáo dục Tiểu học; Giáo dục trung học có trung học cơ sở và trung học toàn phần.

Trung học toàn phần lại bao gồm hai luồng: trung học phổ thông và trung học hướng nghiệp. Giáo dục nghề có dạy nghề sơ cấp, dạy nghề trung cấp và dạy nghề cao cấp. Giáo dục ĐH đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ cử nhân, trình độ chuyên gia, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

Một số trường ĐH ngoài công lập đang bị mua đi bán lại

Góp ý vào việc bổ sung, sửa đổi Luật Giáo dục ĐH, bà Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH Thăng Long nêu quan điểm: Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đang có nhiều vấn đề được đặt ra.

Số sinh viên vào các trường này đang bị thu hẹp lại, một số trường không có sinh viên vào học. Một số trường có tình trạng bị mua đi bán lại trên bờ vực phá sản, người đầu tư hoài nghi lo lắng về một số điều trong chính sách và luật pháp chưa được rõ ràng.

can co luat pha san cac truong dai hoc ngoai cong lap

Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2012; có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013 đến nay có một số điều không còn phù hợp với tình hình hoạt động của các trường đại học và sự phát triển giáo dục hiện nay (ảnh minh họa)

Các trường ĐH, CĐ công lập dù thiếu sinh viên vẫn có thể tồn tại do phương tiện và nhân lực còn được bao cấp. Nhưng các trường ngoài công lập chỉ có nguồn tài chính từ học phí của sinh viên; khi số sinh viên giảm đi và học phí không đủ để trang trải chi phí thường xuyên, cổ đông sẽ phải đóng thêm tiền và việc đóng góp thêm này sẽ không thể kéo dài.

Hơn nữa, nếu cổ đông chịu kéo dài sự đóng góp thì lại có sự lo lắng do quy định chưa rõ về tài chính.

Theo bà Hoàng Xuân Sính, để giải quyết tình trạng một số trường ĐH ngoài công lập đang bị mua đi bán lại trước bờ vực của phá sản đòi hỏi phải có Luật Phá sản cho các trường này. Một số ý kiến cho rằng, Luật Phá sản cho các trường ĐH ngoài công lập có thể thực hiện theo như luật phá sản các doanh nghiệp tư nhân.

Một số ý kiến khác lại cho rằng ngoài việc quy định theo luật phá sản các doanh nghiệp cũng cần có một số điều khoản riêng đối với trường ĐH và CĐ ngoài công lập vì phải giải quyết quyền lợi của sinh viên, giải quyết đặc thù của trường ngoài công lập theo hướng vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận, giải quyết vấn đề nguồn gốc các tài sản của trường, vấn đề lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân, khi nào được phá sản, khi nào phải phá sản…

Như vậy, việc xây dựng Luật Phá sản cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập là cần thiết, song cần cân nhắc nhiều khía cạnh khi xây dựng luật này để tránh những hệ quả tiêu cực cho cá nhân và cho xã hội.

Ngoài ra, khi sửa đổi Luật Giáo dục ĐH cần sớm sửa phần tài chính của các trường ĐH ngoài công lập. Trong quy định tài sản của các trường ĐH ngoài công lập cần phân định rõ nguồn gốc và tài sản hình thành từ nguồn gốc nào thì thuộc sở hữu của nguồn gốc đó.

Bà Xuân Sính đề xuất nên sử dụng Luật Doanh nghiệp để quản lý nhà nước đối với tài sản của trường ĐH ngoài công lập là đơn giản và dễ hiểu nhất./.