Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa ban hành Quy định số 08 của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Người dân kỳ vọng những quy định này khi đi vào cuộc sống, ý thức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ được nâng lên, góp phần tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc.

Trên gương mẫu nhất định dưới sẽ theo

Ông Nguyễn Viết Chức – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh rằng, việc quy định trách nhiệm nêu gương từ trên xuống rất phù hợp với văn hóa phương Đông. Bởi đã làm gương thì phải làm gương từ trên xuống và gương thì phải treo cao. Ở trên thực hiện nghiêm sẽ tạo sức lan tỏa, thuyết phục lớn xuống phía dưới, trên nghiêm nhất định dưới nghiêm, trên gương mẫu nhất định dưới sẽ theo.

can bo tham nhung ma rao giang ve chong tieu cuc thi ai nghe
Ông Nguyễn Viết Chức – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Quy định này cũng phù hợp với dư luận bức xúc lâu nay, rằng “anh không làm gương, đã chạy chức, chạy quyền, đã tham nhũng mà nói về chống tiêu cực, chống tham nhũng thì ai nghe. Rõ ràng, lần này Trung ương đặt vấn đề này rất trúng, trúng vì tình hình thực tế, trúng với ý tưởng làm trong sạch Đảng, trúng với dư luận xã hội yêu cầu”.

Để thực hiện hiệu quả quy định này, cùng với sự kiểm tra, giám sát của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chính trị-xã hội, của quần chúng nhân dân thì mỗi đảng viên cần thấy được trách nhiệm của mình trong mọi công việc, từ đó có ý thức rèn luyện, phát huy tính tiên phong, gương mẫu ở mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, người đứng đầu phải nói đi đôi với làm, chuẩn mực trong việc làm hàng ngày, ở chính đơn vị nơi mình công tác, nơi cư trú; nghiêm túc phê bình và tự phê bình, sâu sát, gương mẫu, xử lý vi phạm nghiêm minh, công bằng, tạo cơ chế giám sát ngay trong nội bộ mình.

Theo ông Nguyễn Viết Chức, Quy định của Ban Chấp hành Trung ương là bước cụ thể hóa các quy định về nêu gương và là bước tiến với quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ mà trước hết là cán bộ cấp chiến lược. Nó là yếu tố góp phần phòng ngừa chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, chống độc quyền, lộng quyền, nhất là lợi dụng cương vị, quyền lực của mình để thao túng tập thể.

“Nếu cán bộ cấp chiến lược mà không nêu gương, phạm phải những điều không tốt, không xứng đáng với vai trò, vị trí của mình thì sẽ bị nhắc nhở, soi xét. Vì vậy, việc quy định về nêu gương của Trung ương là hoàn toàn đúng” – ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

“Tiền trị gia, hậu trị thiên hạ”

Theo Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên có một điểm đáng chú ý đó là: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống: Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi; Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

"Trên nghiêm nhất định dưới nghiêm, trên gương mẫu nhất định dưới sẽ theo" - ông Nguyễn Viết Chức.

Theo ông, lâu nay có những cán bộ suy thoái thường “mượn danh” vợ con để đổ tội, thậm chí đẩy sang người thân, vợ con những tài sản bất chính nhằm giấu giếm, để bản thân vô can. Hay có tình trạng cán bộ dung túng, để con cái ăn chơi sa đọa. Xét về mặt đạo đức, đã là cán bộ cao cấp, là đảng viên mà để xảy ra tình trạng như vậy là không nên. Hơn nữa, việc này diễn ra trước mắt người dân là rất phản cảm.

Người xưa có câu: “Tiền trị gia, hậu trị thiên hạ”. Trong gia đình, người làm lãnh đạo không nói được vợ con, để họ sống xa hoa, lãng phí thì làm sao anh giáo dục được xã hội. Chính vì vậy, quy định lần này của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là lời nhắc nhở cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp biết nhìn nhận lại mình, nêu gương trong chính gia đình, với người thân của mình. Không để người thân, vợ con có thể lợi dụng vào chức vụ, vị trí của mình mà gây điều tiếng xấu, vi phạm đạo đức, pháp luật.

“Xã hội nào cũng vậy, bản thân anh trong sáng, thì gia đình, vợ con, người thân anh mới trong sáng được. Không phải bỗng dưng con của anh tổ chức sinh nhật lên tới hàng chục triệu đồng, vợ anh mua sắm hàng hiệu lên tới vài chục ngàn USD. Vậy tiền ở đâu ra? Tiền chỉ có thể “nhặt” được thôi chứ tiền làm được từ mồ hôi nước mắt thì không ai phung phí như vậy. Câu chuyện ở đây muốn nhấn mạnh rằng, vợ con cán bộ cũng phải gương mẫu nêu gương để không ảnh hưởng tới danh tiếng của người chồng, người cha mình”- ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Thời gian qua, rất nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị bị phát hiện, đưa ra xét xử trước pháp luật, trong đó nhiều người vi phạm là cán bộ cấp cao. Một trong những nguyên nhân dẫn tới hệ quả trên là do người lãnh đạo đã buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát, thậm chí lợi dụng chức vụ, quyền lực trong khi thi hành công vụ dẫn tới hàng loạt sai phạm, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Ai trót để tay nhúng tràm thì hãy tự gột rửa. Trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, không phải cứ xử tử, chung thân hay phải xử thật nặng mới là kết quả tốt mà là vừa để người đó nhận ra sai lầm, khuyết điểm của mình và vừa để giáo dục mọi người, làm cho Đảng vững mạnh, xã hội có kỷ cương, phát triển bền vững. Đó là mục tiêu cuối cùng của nêu gương cũng như Luật phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm.

“Xu hướng lạm quyền đang diễn ra, cho nên đặt ra quy định này góp phần kiểm soát quyền lực, không lạm quyền. Đảng, Nhà nước giao cho cán bộ quyền đó để thực thi những điều tốt đẹp, làm cho xã hội phát triển lành mạnh, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Còn nếu cán bộ dùng quyền lực trái với yêu cầu đó tức là anh đang lạm quyền, thì lập tức phải xử lý. Chính vì vậy, việc đặt ra nêu gương là hoàn toàn chính xác”./.