Năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 32 triệu lượt khách trong khi công suất thiết kế là 25 triệu lượt hành khách thông quan. Dự kiến, năm 2017 sẽ có trên 35 triệu lượt hành khách qua cảng hàng không này.

Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, sẽ được quy hoạch đáp ứng sản lượng hành khách 43-45 triệu khách/năm, với 80-85 vị trí đỗ (hiện nay có 50 vị trí đỗ), đáp ứng khai thác các loại máy bay.

Phương án điều chỉnh quy hoạch được triển khai theo hướng giữ nguyên cấu hình của hệ thống đường cất-hạ cánh hiện hữu với 2 đường băng cách nhau 365m, cùng đó bổ sung thêm 1 đường lăn song song và 2 đường lăn thoát nhanh.

Đối với khu hàng không dân dụng, sử dụng hệ thống nhà ga hành khách hiện hữu với công suất khoảng 28 triệu khách/năm và quy hoạch bổ sung nhà ga hành khách T4 với công suất thiết kế 15 triệu khách/năm, nâng tổng công suất của nhà ga hành khách lên 43-45 triệu khách/năm.

can 19000 ty dong de giai cuu san bay tan son nhat

Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng

Dự kiến, tổng mức đầu tư để thực hiện quy hoạch khoảng hơn 19,3 nghìn tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như vốn Nhà nước, vốn doanh nghiệp và vốn vay… Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao Tông Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư và tự ứng vốn, thu xếp vốn đầu tư đối với hệ thống đường cất, hạ cánh và đường lăn. Vốn sẽ được hoàn từ vốn nhà nước.

Cục Hàng không đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ACV được ứng vốn để đầu tư ngay dự án cải tạo đường cất, hạ cánh cùng hệ thống đường lăn, đồng thời cho phép chỉ định thầu các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng là đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công xây lắp các công trình này.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị cho phép sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2017-2019 để Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các đơn vị phải di chuyển, đóng quân tại sân bay Biên Hòa, tạm bàn giao đất quốc phòng cho hàng không dân dụng.

Được biết, mới đây ACV đã đề xuất triển khai 4 dự án tại khu bay gồm: Dự án mở rộng sân đỗ máy bay khu 21ha đất quân sự bàn giao; Dự án mở rộng sân đỗ máy bay phía Bắc đường lăn song song, đáp ứng khai thác 8 vị trí đỗ tàu bay; Dự án cải tạo, nâng cấp sân, đường tại khu bay và nếu được chấp thuận, dự án sân đỗ máy bay 21ha sẽ được khởi công ngay tháng 9/2017 và hoàn thành trong tháng 6/2018.

can 19000 ty dong de giai cuu san bay tan son nhat

Qúa tải, ùn tắc mọi ngả đường dẫn vào sân bay dịp cao điểm lễ, Tết (ảnh: Đình Thảo)

Đối với dự án cải tạo, nâng cao năng lực khai thác hệ thống sân đường khu bay, thời gian thi công dự kiến 16 tháng, chia làm hai giai đoạn. Trong đó, 12 tháng đầu tiên sẽ xây dựng mới đường lăn song song và đường lăn nối giữa đường cất, hạ cánh 25L/07R và đường lăn song song hiện hữu trên sân đỗ. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này là 600 tỷ đồng.

Với sự thay đổi quy hoạch nói trên, diện tích đất sân bay Tân Sơn Nhất từ 574,44 ha hiện nay sẽ được mở rộng lên 628,96 ha vào năm 2030.

Để giải tỏa và kết nối thông suốt trong - ngoài cảng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất quy hoạch đường trục từ Công viên Hoàng Văn Thụ vào cảng hàng không bằng với đường Trường, bổ sung cầu vượt chữ Y nối đường Trường Sơn vào ga hành khách và tuyến đường trên cao từ nhà ga quốc nội ra đường Phan Thúc Duyện tới Hoàng Văn Thụ. Cùng đó, bổ sung, cải tạo mở rộng đường 18E, đường Hoàng Hoa Thám và đường C2 nối từ đường Cộng Hoà vào khu vực nhà ga hành khách mới…