Cô Jackie Wrafter, 50 tuổi, là người sáng lập quỹ Kỳ Anh (Kianh Foundation) và điều hành hoạt động Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ em Khuyết tật Kỳ Anh (ở phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Đây là nơi chăm sóc và đào tạo kỹ năng sống miễn phí cho gần 100 trẻ khuyết tật ở Quảng Nam.

Jackie Wrafter chia sẻ trong một bài viết trên báo Tiền Phong rằng bây giờ cô không còn ý định lập gia đình nữa vì đã có những đứa con - những đứa trẻ ở Trung tâm này.

cam phuc tam long nguoi me ngoai quoc cua hang tram tre khuyet tat viet nam
Cô Jackie Wrafter và những đứa con khuyết tật trong “mái ấm Kỳ Anh”. (Ảnh: Báo Tiền Phong)

Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ …

Năm 2001, cô Jackie Wrafter, 35 tuổi, từ thành phố cảng Liverpool của nước Anh đến Việt Nam du lịch. Khi cùng người bạn ghé thăm một trại trẻ mồ côi tại miền Trung, Jackie thấy có nhiều trẻ khuyết tật sống ở đó, trong khi điều kiện tại trại trẻ còn nhiều thiếu thốn. Cô nghĩ rằng các em nhỏ cần được hỗ trợ nhiều hơn để có thể tự chăm sóc bản thân, hòa nhập cuộc sống tốt hơn. Ý tưởng thành lập một trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật được nhen nhóm từ đó.

Dù lúc đó chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ khuyết tật nhưng Jackie biết rằng cuộc sống của các em này sẽ thay đổi khi được những người có chuyên môn giúp đỡ.

Khi trở về nước Anh, điều đầu tiên mà Jackie và bạn cô làm là quyên tiền giúp các em. Họ quyên được nhiều tiền hơn dự tính và thuê ngay một kỹ thuật viên vật lý trị liệu đến làm việc tại trại mồ côi.

Sau vài tháng trở về Anh, Jackie quyết định quay lại Việt Nam giúp các em.

Để có cơ sở hoạt động lâu dài, Jackie đăng ký thành lập tổ chức từ thiện Kianh Foundation nhằm tiếp nhận nguồn tiền đóng góp.

Sau nhiều năm chăm sóc trẻ tại trại mồ côi, tổ chức này được chính quyền thị xã Điện Bàn cấp đất để xây dựng trung tâm chuyên điều trị trẻ khuyết tật. Đến năm 2012, Trung tâm Kỳ Anh với kinh phí đầu tư hơn 5 tỉ đồng do Đại học RMIT (Úc) tài trợ đi vào hoạt động.

Cô Jackie đã kết nối với nhiều tổ chức và cá nhân nước ngoài là chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc, phục hồi năng lực trẻ khuyết tật để họ đến Trung tâm hỗ trợ có thời hạn.

Lúc đầu Trung tâm chỉ có 16 em, 6 nhân viên tại Trung tâm chia nhau chăm sóc, hỗ trợ, đến nay có gần 100 em được đội ngũ 37 nhân viên chăm sóc. Tất cả các em học sinh là những trẻ em khiếm khuyết, được học và hỗ trợ trị liệu miễn phí.

Đọc câu chuyện về cô Jackie Wrafter mới thấy một điều đáng quý ở cô là tâm nguyện giúp trẻ khuyết tật có thể hòa nhập cuộc sống. Để thực hiện tâm nguyện đó, cô đã kết nối để đội ngũ nhân viên của Trung tâm được các chuyên gia người nước ngoài đào tạo kỹ năng bài bản. Từ đó đưa ra những bài giảng đặc biệt dành riêng cho từng trẻ khuyết tật nhằm tiến tới mục tiêu là các em có thể hòa nhập cuộc sống như những trẻ bình thường khác.

cam phuc tam long nguoi me ngoai quoc cua hang tram tre khuyet tat viet nam
Cô Jackie bên một em nhỏ ở Trung tâm Kỳ Anh. (Ảnh: Báo Tiền Phong)

Điều cô Jacike làm được cũng chính là điều Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 khuyên những người chăm sóc cho người khác: “Khi giúp đỡ một người nào đó, ta không phải chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách cho họ bằng cách cho họ tiền bạc mà hãy tạo phương tiện để họ tự giải quyết những khó khăn của họ”.

Từ năm 2001, khi lần đầu gặp gỡ những em nhỏ khuyết tật ở một trại trẻ mồ côi Việt Nam, cô Jackie đã nhen lên ý tưởng giúp các em có thể hòa nhập cuộc sống. Dù chưa có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực chăm sóc trẻ khuyết tật, cô vẫn bắt tay vào thực hiện ý tưởng đó từ những gì mình đang có. Từ những mối quan hệ của mình, cô đã quyên góp tiền, liên hệ với những cá nhân, tổ chức để kêu gọi sự hỗ trợ. Và kết quả cô đạt được thật kỳ diệu, đó là một ngôi trường khang trang với những máy móc hỗ trợ trị liệu và đội ngũ nhân viên được đào tạo để chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật.

Những gì cô Jackie làm được cũng đúng như lời mục sư, diễn giả nổi tiếng John Mason viết trong cuốn sách “Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao” (NXB Lao động): “Chúng ta không cần thêm sức mạnh, khả năng hay những cơ hội to lớn hơn. Điều mà chúng ta thực sự cần là sử dụng những gì chúng ta có tại nơi mà chúng ta đang ở”.

Jackie cho biết, cô còn rất nhiều dự định, đó là mở rộng trung tâm để tiếp nhận các em trong danh sách chờ, tạo việc làm cho các em sau khi hết học ở trung tâm. Cô cũng muốn được chia sẻ kinh nghiệm cho những đơn vị khác để nhiều trẻ em khuyết tật được chăm sóc, nuôi dạy tốt hơn...

Cảm phục thay tấm lòng của “người mẹ ngoại quốc” dành cho những đứa trẻ khuyết tật ở Việt Nam!