Sáng 17/11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới dự và phát biểu tại Hội thảo "Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Sự kiện do Bộ Ngoại giao phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài, lãnh đạo các doanh nghiệp, Quỹ đầu tư tài chính.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp của thế giới đã và sẽ tạo cơ hội phát triển cho một số quốc gia. Cơ hội phát triển của Việt Nam sẽ ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.

cach mang cong nghiep lan thu 4 la co hoi phat trien cua viet nam
Phó Thủ tướng cho rằng, do điều kiện lịch sử, Việt Nam đã “lỡ nhịp” cả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây...

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghiệp 4.0) với trung tâm là một thế giới siêu kết nối số đang làm thay đổi nhanh chóng và sâu rộng cuộc sống, hành vi của mỗi người dân, tạo điều kiện thuận lợi để tăng năng suất và phát sinh ra những mô hình, cách thức kinh doanh mới và những người có thu nhập thấp cũng có thể tận dụng và thụ hưởng trực tiếp thành quả.

Do đó, Phó Thủ tướng khẳng định, nhờ cách mạng 4.0 mà lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp. Đây chính là cơ hội cho sự phát triển bao trùm.

Phó Thủ tướng cho rằng, do điều kiện lịch sử, Việt Nam đã “lỡ nhịp” cả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, và khẳng định: “Cơ hội của Việt Nam sẽ ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này là rất lớn” và phải chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng điểm để nắm bắt được cơ hội phát triển đất nước.

cach mang cong nghiep lan thu 4 la co hoi phat trien cua viet nam
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra với Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0 cần được các chuyên gia giúp Chính phủ làm rõ: Giảm bớt các xáo trộn, chuyển dịch lao động ở quy mô lớn khi các mô hình kinh doanh mới ra đời, xu hướng tự động hóa phát triển; đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, có khả năng thích ứng và năng lực đổi mới- sáng tạo; kiến tạo môi trường phát triển toàn diện, mang tính phổ cập giữa các vùng miền, để mọi người dân được hưởng lợi, không ai bị bỏ lại phía sau; nghĩa vụ tài chính, cạnh tranh công bằng giữa các loại hình kinh doanh cần phải kiểm soát tốt.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sẽ thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm hiểu và loại bỏ các rào cản, các vấn đề đã và có thể sẽ phát sinh, xây dựng các chương trình hành động cần thiết, tích cực khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp trên nền tảng khoa học công nghệ hướng tới cộng đồng.

Đồng thời, Chính phủ thúc đẩy số hóa trong lĩnh vực quản trị công, là điều kiện tiên quyết để đạt được một tầm nhìn thống nhất về chính phủ điện tử (e-government) với các công dân điện tử (e-citizen) trong một nền kinh tế kết nối số./.