“Cần dũng cảm từ bỏ mô hình quản lý cũ, cách làm cũ để thích ứng với Cách mạng 4.0, phát triển đất nước. Chúng ta hãy cùng nỗ lực biến khát vọng thịnh vượng quốc gia, dân tộc thành hành động cụ thể, chuyển hóa những sáng tạo thành giá trị gia tăng, tạo việc làm và dịch vụ mới cho Việt Nam”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” ngày 5/12 ở Hà Nội.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra từ cuối thế kỷ 18, với sự phát minh ra máy hơi nước cho phép cơ giới hóa trong quá trình sản xuất. Cuộc cách mạng ấy xuất phát từ nước Anh rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp châu Âu, châu Mỹ. Khi ấy xã hội Việt Nam chưa có mấy khái niệm về cơ khí, công nghiệp.

cach mang cong nghiep 40 co hoi quoc gia thinh vuong
Thế giới đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghệ và đang hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp công nghiệp lần thứ tư.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 với sự xuất hiện của động cơ đốt trong, sự phát triển vượt bậc trong sản xuất dây chuyền, quá trình điện khí hóa. Máy công cụ, cơ khí rồi ô tô, máy bay được sản xuất hàng loạt. Khi ấy xã hội Việt Nam đang trong thời kỳ nửa phong kiến nửa thuộc địa. Chính sách khai thác thuộc địa của người Pháp chỉ chú trọng bóc lột tài nguyên chuyển về mẫu quốc.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra trong suốt nửa cuối thế kỷ 20 và thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 với những thành tựu khoa học đột phá trong lĩnh vực máy tính điện tử, quá trình tự động hóa. Máy tính điều hành công xưởng; những dây chuyền robot thay thế con người. Dốc toàn lực cho mục tiêu giải phóng dân tộc, rồi những khó khăn thời hậu chiến, một lần nữa Việt Nam lỡ nhịp. Tuy nhiên khoảng cách công nghệ giữa nước ta và các nước công nghiệp đã được rút ngắn đáng kể.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, phát triển theo cấp số nhân, là khuynh hướng tất yếu mang lại cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia. Trong bối cảnh nền kinh tế mở chúng ta đối mặt với nhiều thách thức. Đó là nguy cơ mất việc làm ở phân khúc lao động giản đơn lâu nay vốn thu hút rất nhiều nhân công. Đó là nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế lâu nay vẫn chủ yếu tham gia ở mắt xích thấp, mang lại giá trị gia tăng ít nhất trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Nhưng cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là cơ hội để chúng ta rút ngắn khoảng cách với các nền công nghệ tiên tiến, các nền kinh tế phát triển.

Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển trên 3 trụ cột chính: Kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Không nằm trong nhóm các nước phát triển, nhưng Việt Nam đã có những yếu tố cơ sở của cuộc cách mạng lần này. Về kinh tế số, chúng ta có những dây chuyền sản xuất tự động; có máy tính trang bị đến tất cả các công sở, trường học, đến từng gia đình. Những máy tính ấy được kết nối internet băng thông rộng.

Tuy mới thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, nhưng 55% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Năm 2017, Việt Nam thuộc top 5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới, 16%. Cũng trong năm qua, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 12 bậc lên vị trí thứ 47 toàn cầu. Chỉ số chính phủ điện tử cũng tăng thêm 10 bậc.

Về công nghệ sinh học, chúng ta có các viện nghiên cứu di truyền, sinh học phân tử, những trang trại thông minh được số hóa đến từng công đoạn. Đây là hướng đi ưu tiên để khơi dậy lợi thế so sánh quốc gia trong nông nghiệp, thủy sản. Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể là cơ hội để Việt Nam phát triển nền nông nghiệp thông minh.

Về vật lý, đây là lĩnh vực đầy thách thức. Trí tuệ Việt luôn là niềm tự hào. Học sinh, sinh viên Việt Nam luôn đạt thành tích cao trong các kỳ thi Toán, Lý, Hóa... Nhưng chúng ta đang thiếu những viện nghiên cứu danh tiếng - nơi phát triển các ngành khoa học cơ bản và triển khai ý tưởng khoa học thành những dự án có tính thương mại. Nước ta có nhiều tài nguyên nhưng ngành vật liệu mới, vật liệu gia cường lại không phát triển.

Việt Nam đang ở đâu tại thời điểm bắt đầu của cách mạng công nghiệp 4.0? Chúng ta có xuất phát điểm thấp, nhưng đã có các yếu tố cơ sở của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta phải làm gì để nắm bắt cơ hội? Một câu hỏi tầm chiến lược, đòi hỏi tích hợp trí tuệ của các nhà khoa học, các nhà công nghệ, các nhà hoạch định chính sách và từng cá nhân; đòi hỏi nhiệt huyết của mọi thế hệ người Việt Nam. Cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức - thách thức sống còn, là cơ hội - cơ hội quốc gia thịnh vượng./.