cac nha khoa hoc australia phat hien vu no lon nhat ke tu sau big bang
(Nguồn: PA)

Ngày 28/2, các nhà khoa học Australia đã phát hiện ra một vụ nổ lớn nhất trong vũ trụ kể từ sau vụ nổ Big Bang, với năng lượng tỏa ra lớn gấp 5 lần so với kỷ lục được xác lập trước đó.

Vụ nổ này xuất phát từ một hố đen siêu lớn, trung tâm của một thiên hà cách đây hàng trăm triệu năm ánh sáng.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Thiên văn vô tuyến (ICRAR) tại miền Tây Australia hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ nổ, song quan sát thấy rằng nó đã tạo ra lổ hổng lớn trong chùm plasma, hay lượng khí siêu nóng, bao quanh hố đen.

Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sỹ Simona Giacintucci của Phòng nghiên cứu Hải quân tại Mỹ cho biết miệng hố lớn đến mức nó có thể vừa được 15 thiên hà sau khi vụ nổ phá vỡ khối khí nóng.

Ban đầu khi quan sát lỗ hổng trong chùm plasma, các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng đây có thể là kết quả của một vụ nổ do nó có kích thước quá lớn.

Thông qua 4 kính viễn vọng vô tuyến gồm Đài quan sát tia X Chandra của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ, Đài quan sát XMM-Newton của Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu, Kính viễn vọng vô tuyến Murchison Widefield Array (MWA) ở Tây Australia và Kính viễn vọng vô tuyến Giant Metrewave ở Ấn Độ, các nhà khoa học đã có thể xác nhận rằng đây là một vụ nổ với quy mô chưa từng thấy.

Trong bối cảnh các nhà khoa học có thể quan sát vũ trụ chi tiết hơn bao giờ hết, nhóm nghiên cứu tin rằng đây là chỉ là sự kiện đầu tiên trong nhiều phát hiện đáng kinh ngạc sau này.

Giáo sư Melanie Johnston-Hollitt của Đại học Curtin của Australia cho biết vụ nổ trên đã được khám phá trong giai đoạn 1 của MWA, khi kính viễn vọng này có 2.048 ăng-ten hướng về phía bầu trời.

Trong giai đoạn tiếp theo với 4.096 ăng-ten, các nhà khoa học tin rằng sẽ có thêm nhiều khám phá thú vị khi kính viễn vọng này trở nên nhạy gấp 10 lần./.