Đến 8 giờ ngày 16-10, tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế, mưa đã giảm đáng kể, lượng mưa chủ yếu tại Hà Tĩnh, Quảng Bình phổ biến 50mm-80mm. Mực nước các sông trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã xuống mức báo động 1, 2, 3. Các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn đang bảo đảm an toàn, riêng hồ Bộc Nguyên, Kẻ Gỗ đã đóng không xả lũ. Mưa lũ đã làm 18 người chết, 5 người mất tích; 1.692ha lúa, hoa màu bị hư hỏng cùng nhiều tuyến đường bộ và đường sắt bị sạt lở, ngập úng. Các lực lượng đã tổ chức di dời 2.567 hộ dân.

cac mui huong bo doi len duong giup dan

Đoàn công tác Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hàng cứu trợ cho nhân dân tại xã Phúc Đồng, Hương Khê.

Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã tổ chức 3 đoàn công tác trực tiếp đến các tỉnh nắm tình hình và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ. Gần 6.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân, tự vệ và hàng trăm phương tiện tàu thuyền, ô tô đã được huy động làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp dân. Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã triển khai Công điện số 71/TK của Bộ Tổng tham mưu ngày 15-10-2016 đến các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động theo dõi nắm chắc tình hình mưa, lũ trên địa bàn và diễn biến của cơn bão Sarika để sẵn sàng ứng phó. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các tỉnh tiếp tục kiểm đếm, thông báo cho các chủ phương tiện trên tàu biết vị trí hướng đi của bão Sarika để chủ động phòng tránh.

Tại Quảng Bình, 15 xã thuộc 5 huyện, thị xã của tỉnh Quảng Bình là Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch và Ba Đồn chịu thiệt hại lớn cần được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất. Đại tá Hoàng Xuân Vĩnh, Chính ủy Bộ CHQS Quảng Bình cho biết: “Chiều 16-10, Bộ CHQS Quảng Bình đã huy động thêm 200 cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương cơ động đến các địa phương tiếp tục giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt".

Từ Quảng Trị, Đại tá Hà Thọ Bình, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968 thông tin với chúng tôi: 13 giờ 30 phút ngày 16-10, 500 cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện của sư đoàn bắt đầu hành quân vào vùng lũ các huyện: Quảng Trạch, Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn làm nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt và phòng, chống cơn bão số 7.

Vào sáng 16-10, nước lũ trên sông Gianh (Quảng Bình) dù rút bớt nhưng vẫn chảy xiết làm tàu vận tải biển số hiệu ND 2626 bị đẩy xoay ngang và nghiêng về mạn phải khoảng 30 độ, có nguy cơ bị lật úp. Trước tình hình đó, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn Cục Hàng hải, Quân khu 4 và BĐBP tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực cứu nạn thành công 4 thuyền viên bị mắc kẹt trên tàu hàng tại cửa Sông Gianh. 4 thuyền viên được đưa lên tàu cứu nạn hàng hải và được đưa về cảng Gianh an toàn.

Tại địa bàn huyện Minh Hóa, hàng nghìn hộ gia đình bị ngập chìm trong lũ dữ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Quảng Bình đã kịp thời đến từng hộ gia đình giúp dân sửa chữa lại nhà cửa, dọn vệ sinh thôn xóm, cứu trợ mì tôm, lương khô, nước uống giúp bà con di chuyển đến nơi an toàn.

Tính đến 19 giờ ngày 16-10, trên địa bàn tuyến biên giới tỉnh Quảng Bình có hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập nặng, hàng chục tàu cá ngư dân bị mất tích và hư hỏng nặng nề, hàng chục ki-lô-mét đường vào các xã vùng biên bị sạt lở nghiêm trọng, hàng nghìn héc-ta hoa màu bị hư hỏng và nhiều con gia súc, gia cầm bị chết, ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã điều động 300 cán bộ, chiến sĩ, 6 xe ô tô chuyên dụng, 5 ca-nô, trước mắt vận chuyển 2.000 thùng mì tôm, lương khô, nước uống cùng các vật dụng cần thiết cứu trợ giúp nhân dân vượt qua khó khăn trước mắt. Hiện nay BĐBP tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các điểm xung yếu có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, nước dâng cao để có phương án cứu trợ các hộ dân nằm trong khu vực có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề, giúp dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch hoa màu; có phương án phòng, chống dịch bệnh, sớm ổn định cuộc sống...

cac mui huong bo doi len duong giup dan

Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn huấn luyện cơ động Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh trường Trường Mầm non Hương Đô dọn vệ sinh..

Tại Hà Tĩnh, LLVT các huyện: Hương Khê, Can Lộc, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang được huy động giúp nhân dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Huyện Hương Khê có 15 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non bị ngập, đến nay, có 10 trường nước đã rút dần. Trước tình hình đó, 300 cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn Thanh niên huyện Hương Khê, cùng chính quyền địa phương và bà con nhân dân đã đến các điểm Trường Mầm non Hương Đô, Trường Tiểu học Hương Phúc, Trường Mầm non Lộc Yên (huyện Hương Khê) vét bùn, lau rửa bàn ghế, đồ dùng phục vụ công tác dạy học. Do nước lũ dâng cao 1-3m, tại các điểm trường này, nhiều trang thiết bị, đồ dùng dạy học hư hỏng nặng, tường rào bị sập đổ.

Sáng 16-10, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã điều động 300 cán bộ, chiến sĩ thuộc Hải đội 2, Tiểu đoàn huấn luyện cơ động, các Đồn Biên phòng: Phú Gia, Bản Giàng phối hợp với Đoàn Thanh niên huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), các đoàn từ thiện cùng chính quyền địa phương và bà con nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại một số khu vực trọng điểm của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tổ công tác thuộc Bộ chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với nhóm từ thiện “Mái ấm tình thương TP Hà Tĩnh” đã dùng ca-nô vận chuyển, trao hàng cứu trợ cho bà con vùng bị lũ cô lập nhiều ngày nay. Mặc dù trời đã ngưng mưa từ tối 15-10, song mực nước ở khu vực này rút rất chậm. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phúc Đồng, cho hay: Hiện nay đang có 57 hộ bị cô lập hoàn toàn và trong đợt lũ này 50% các hộ dân trên địa bàn xã bị ngập và ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo các phương án nên đến nay, địa phương chưa có thiệt hại về người. Cụ thể, khi có điện của huyện về công tác chuẩn bị phòng, chống áp thấp nhiệt đới, UBND xã đã phân công các đồng chí trong lãnh đạo về các vùng có nguy cơ ngập sâu để phối hợp với chi bộ và cán bộ thôn triển khai các biện pháp ứng phó với lũ lụt. Phát huy lực lượng tại chỗ với tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau cả trước, trong và sau mưa lũ, hiện nay xã đang nắm tình hình thiệt hại của từng hộ dân để có phương án giúp đỡ dân kịp thời, sớm ổn định cuộc sống ngay sau khi lũ rút hết.

Cùng với tổ công tác luồn lách từng ngõ xóm, đến từng ngôi nhà đang bị lũ bao vây mới thấy cuộc sống của bà con vô cùng khổ cực. Người thì bị lũ cuốn trôi hết lúa gạo, không còn gì để ăn, kẻ thì còn lúa nhưng không biết cách nào để xay lấy gạo... Ông Phan Văn Tuấn, xóm 1, xã Phúc Đồng rưng rưng nói: "Mưa lũ đã cuốn trôi hết lương thực, thực phẩm, không còn có cái gì mà ăn, nay tạm thời phải dựa vào bà con làng xóm. Hiện cả nhà đang chia nhau đi xin gỗ về sửa lại nhà cửa".

Mặc dù chỉ cơ động trong mấy thôn của xã Phúc Đồng, nhưng chiếc xuồng cao tốc 750 của Hải đội 2 BĐBP tỉnh Hà Tĩnh và đoàn công tác phải làm việc từ sáng sớm đến 14 giờ cùng ngày mới trao hết 700 thùng mì tôm, 350 chai nước suối và 1.000 gói lương khô. Trung tá Ngô Đức Đông, Hải đội trưởng Hải đội 2, tâm sự: “Tôi đã có thâm niên gần 27 năm công tác, mỗi lần cứu hộ, cứu nạn đều không giống nhau, nhưng căn cứ vào thực địa để tiếp cận cứu hộ được dân và bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn. Xem người dân đang gặp nạn như là người thân của mình để có quyết tâm và khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ”.

Chiều cùng ngày, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã chuyển đến các xã thiệt hại nặng ở huyện Hương Khê 2 tấn mì tôm, 2 tấn lương khô và 4.000 chai nước.

Tại Nghệ An, Thượng tá Thái Đức Hạnh, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống ngập úng các địa phương, sẵn sàng lực lượng giúp nhân dân. Triển khai cơ quan Bộ chỉ huy và Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố túc trực bảo đảm quân số. Các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện, cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn chuẩn bị chống bão số 7…”.

Sau trận lũ lớn và tiếp tục cơn bão số 7 đang tiến vào gần bờ, người dân Quảng Bình, Hà Tĩnh đang lâm vào tình cảnh nhiều khó khăn. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì cuộc sống của người dân, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 sát cánh cùng nhân dân các tỉnh bị thiên tai, mưa lũ, vượt qua giai đoạn khó khăn này./.